Người nhìn Việt Bắc qua lăng kính kinh doanh – Tác giả: Hằng Nga NCDT
Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư – Tạp chí Kinh doanh Uy tín hàng đầu, số: Vì sao ít doanh nghiệp Việt Nam phá sản?, ra ngày 12-09-2011
Người nhìn Việt Bắc qua lăng kính kinh doanh
Tác giả: Hằng Nga NCĐT 13/09/2011
Với tư duy của người xuất phát là dân quản trị kinh tế, những bài viết của Mathidle Tuyết Trần mang đậm lối viết văn hóa kinh doanh hơn là văn hóa xã hội.
Sau 2 quyển sách gây tiếng vang trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài vào năm 2010 là Hoa Gai và Dấu xưa Tản mạn Lịch sử nhà Nguyễn, tháng 5.2011, nhà nghiên cứu Mathidle Tuyết Trần, Việt kiều Pháp, tiếp tục xuất bản cuốn Việt Bắc một mùa Xuân, tại Pháp. Sách là tổng hợp những cảm xúc và nghiên cứu, so sánh lịch sử của một người con xa xứ, trong chuyến đi dài ngày dọc vùng biên giới phía Bắc của quê nhà Việt Nam.
Một độc giả ở Đức gọi sách mới của chị là quyển “đường lên cổng trời”. Và ở đó, dường như cổng trời và vực thẳm chỉ cách nhau một sải chân. Vẫn với phong cách viết của người chuyên khảo cứu lịch sử, những bài viết trong sách mới của tác giả Tuyết Trần khó tìm được văn phong trùng lắp so với lối viết cảm nhận về du lịch mà đa số người đi thường viết. Tuyết Trần có cách nhìn lạ, quan sát kỹ, tinh tế, nghiêm túc, nói có sách mách có chứng và quan trọng hơn, biết tiết chế cảm xúc cá nhân để ghi lại những cảm nhận một cách khách quan và mang tính học thuật hơn. Đó là cá tính của Mathidle Tuyết Trần mà tôi từng biết. Chính vì vậy, một độc giả Canada thốt lên: “Tôi thích kiểu vừa đi vừa ngó vừa thở nên đọc Việt Bắc tôi có phần mê”.
Nghe tựa sách Việt Bắc dễ liên tưởng đến sách sử nhiều hơn, bởi nó gắn với cuộc đấu tranh chống xâm lược của Việt Nam, song với tư duy của người xuất phát là dân quản trị kinh tế, những bài viết của Mathidle Tuyết Trần mang đậm lối viết văn hóa kinh doanh hơn là văn hóa xã hội.
Lên Thái Nguyên thăm những đồi chè xanh ngát, vào thăm những nhà máy chế biến chè nổi tiếng tại Thái Nguyên, chị viết: Thái Nguyên không chỉ nổi tiếng về công nghiệp, quặng mỏ, luyện kim mà còn có những búp chè xanh tươi mát, thơm đậm đà. Từ đó, chè Bắc theo chị suốt cuộc hành trình từ Bắc vào Nam. Đi đến đâu, chị cũng quan sát sản phẩm, bao bì của thương hiệu trà Việt Nam được bày bán như thế nào. Chị nhận xét, ở Hà Nội, Huế, Quy Nhơn và chợ Bến Thành ở TP.HCM, đi đâu cũng tìm thấy chè Thái Nguyên, nhưng về đến An Giang thì không thấy trà Thái Nguyên nữa. Chị đoán, có lẽ khâu phân phối của trà Thái Nguyên chỉ mới dừng lại tại TP.HCM. Tuyết Trần không thích những hộp trà cồng kềnh được bán tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất. Chị đề nghị nên làm như ở Đức, những gói nhỏ chỉ có giá 1 euro tại Đức mà du khách có thể mua nhiều gói và nhét bất kỳ ở đâu trong hành lý của mình.
Trong sách của mình, chị viết: “Hàng đặt vừa tầm mắt người mua là hàng bán chạy, cho dù giá cao hơn. Hàng đặt riêng là hàng khuyến mãi. Muốn giết một sản phẩm nào đó, hãy để nó tuốt trên cao hay tận cùng dưới chân người đi”.
Trở về Pháp, hôm sau chị vội lái xe đến một siêu thị lớn, nơi đáp ứng nhu cầu của 40.000 cư dân trong khu vực, chỉ để xem quầy trà của họ bày biện thế nào. Tuyết Trần buồn bã thốt lên: Không thấy trà Việt Nam, chỉ thấy trà túi lọc đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka, Nhật có mùi thơm trộn lẫn giữa tự nhiên và hóa học. Chị nói, vị trà công nghiệp ở đó thua xa trà Thái Nguyên chị đã có. Về nhà, chị mở ngay một túi trà mang từ Thái Nguyên về và nhận xét: Mùi thơm của trà bốc lên đậm hương tự nhiên như khi chị được đứng trước lò sao trà trong cơ sở sản xuất tại đó.
Một ao ước Tuyết Trần chia sẻ trong sách là làm thế nào để đưa trà đến tay người tiêu dùng trên toàn cầu bằng chính chất lượng thực của nó. Chị tự trả lời: “Khâu quảng bá và phân phối sản phẩm mang tính chất quyết định”.
Đó là nói chuyện đầu tư, còn kỹ thuật sản xuất của các loại trà thế giới cũng được chị chia sẻ trong sách và coi như mảng tham chiếu cho những doanh nghiệp làm trà ở Việt Nam, nếu có tham vọng vươn ra quốc tế. Trung Quốc giữ 80% thị phần trà của thế giới song với việc lạm dụng phân bón hóa học, riêng trong năm 2010, sản lượng trà xanh của nước này giảm 70%. Theo chị Tuyết Trần, đó là cơ hội lớn để doanh nghiệp trà Việt Nam nắm bắt.
Cũng bằng cách quan sát tỉ mẩn theo góc nhìn kinh doanh đó, lên Hà Giang, trong mắt quan sát của người làm nghiên cứu, Tuyết Trần không chê cách phát triển giữa thành thị và miền núi xen lẫn nhau một cách ngổn ngang. Chị chỉ thoáng buồn khi nhiều di tích lịch sử bị mất hút ở đây trong quá trình phát triển xây mới. Bù lại, một ổ bánh mì nóng hổi, được mua tại lò bánh mì đầu cầu Sông Lô, lối làm theo thủ công, không có tính công nghiệp lại gây cảm xúc cho khách phương xa như chị.
Đi để đến và đi cũng như để về, để cho ra đời quyển sách này, Tuyết Trần đã thực hiện 4 chuyến đi nối tiếp, từ Đông sang Tây, từ Lạng Sơn đến Điện Biên Phủ. Và đó là quãng thời gian, không gian luôn được quan sát, ghi chép tỉ mỉ đặc biệt những địa danh gắn liền với lịch sử từ thời chống Pháp. Chị cho biết, chị đã tham khảo 24 là sách trong đó hết 23 quyển là sách nghiên cứu lịch sử trước khi đặt bút viết quyển này.
Tìm bài này tại:
http://www.nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=10120