Đất nước mình không cần sâu bọ

Đất nước mình không cần sâu bọ – © Mathilde Tuyet Tran, France 2013

Tại sao đã có những luật lệ, qui định pháp luật mà lại không được áp dụng ? Chính một số người có trách nhiệm thực thi, bảo vệ công lý pháp luật, quyền lợi chính đáng của người bị lừa đảo, thua thiệt, lại tìm cách “đi vòng”, “đi tắt”, “đi lách” luật vì nhận hối lộ, gây thiệt hại, làm mất lòng tin, mà không hề bị nhận trách nhiệm trước pháp luật, công lý. Vậy thì dân chúng tin tưởng vào đâu ?

Con sâu con bọ con giòi là loài cần thiết để đục ruỗng hủy hoại những thây ma, xác chết. Đó là luật tuần hoàn của tạo hóa, tôi ở nhà quê đã trở thành người nhà nông nên biết điều này rất rõ. Phải có sâu bọ thì con người, súc vật, hoa héo, lá khô, cây chết… mới trở về thành cát bụi được. Nhưng một nước Việt Nam oai hùng với mấy ngàn năm văn hiến – may mắn thay và còn chan chứa hy vọng – chưa có phải là một cái thây ma để cho sâu, bọ, giòi đục ruỗng. Cái lạ, là loài sâu bọ biết nó là loại sâu bọ, VÀ, nó vẫn đang tồn tại để đục ruỗng. Người Pháp sẽ có vẻ ngạc nhiên và đặt câu hỏi ” Chercher l’erreur!” (Tìm lỗi lầm ở đâu !). Đối với người nhà nông, việc trừ sâu bọ không phải là một điều khó khăn, chỉ cần sự kiên nhẫn và biết cách làm, vì chúng cũng biết cách sinh sôi nẩy nở thành đàn thành đúm. Xin nói rõ ở đây để tránh mọi xuyên tạc là tôi không vơ đũa cả nắm, vườn rau sạch thì không có sâu bọ ruồi nhặng…Có những người khi sinh ra được cha mẹ đặt cho một cái tên là “tâm trong sáng” thì trên thực tế họ lại có một cái tâm địa đen ngòm, thâm độc, gian xảo, lừa đảo. Nghề nghiệp của họ chỉ là một cái bàn và một cái ghế, một cái điện thoại di động, nay ngồi chỗ này mai chạy chỗ khác, gian manh nên cần phải lưu động, thế mà vẫn to mồm “cả vú lấp miệng em” , lưỡi lắt léo như rắn hổ mang vì có người bao che cho, dùng tiền để mua thế lực, cho nên đắc lực phục vụ cho những kẻ cũng muốn lừa đảo cướp giựt, để ăn chung một miếng bánh to. Sâu bọ đàn đúm nhau là thế. Nhưng họ đang phơi phới tự tin cho rằng là guồng máy PHÁP LUẬT sẽ bị họ lũng đoạn, chi phối, nắm trong tay, các đạo luật đã ban hành sẽ không được áp dụng, thách thức người bị lừa đảo phải tự vệ lê lết trần ai khổ ải đi ăn mày, đi “XIN” một chút công bằng, công lý. Họ có “cái lý của kẻ mạnh” hay không thì kết quả câu chuyện này sẽ là một minh chứng cho công luận thế giới đều biết. Sâu bọ vẫn hiện hữu vì trong tâm của mỗi người ba cái khổ nạn “tham, sân, si” vẫn hiện hữu, nhất là cái tham đứng đầu, thấy đồng tiền thì mờ mắt, mất trọn lương tâm, phế bỏ, hủy hoại tình nghĩa gia đình để mưu cầu trục lợi, miệng tụng kinh Phật còn tay thì ném đá sau lưng, đừng nói chi đến việc làm việc thiện cho người khác hay cao xa hơn, nói đến chuyện nước chuyện non. Chửi những cái xấu, bươi móc những cái xấu, mà rồi chính mình lại sử dụng những cái xấu để bảo vệ bọc tiền lừa đảo trắng trợn, thế là có vinh dự gì không ? Việc nhà còn chưa xong, cái ngõ cái cổng mình còn đầy rác rưởi, vong linh cha mẹ nơi chín suối an ngủ không yên, siêu thoát không đặng, thì tôi chân thành chắp tay xin những ai còn to miệng “bàn” việc nước non, hãy quét rác nhà mình trước đã. Muốn “bình thiên hạ và trị quốc” thì phải “tề gia” trước đã. Một cuốn tiểu thuyết với tựa đề “Cái nhà là nhà của ta…” đang được hình thành và sẽ được xuất bản tại Pháp trong thời gian tới. Tạm thời, trong tinh thần này, mời bạn đọc theo dõi một vụ việc cá nhân có liên quan đến ý tưởng con sâu, con bọ, con giòi và tình nghĩa thấy trên mạng, trên báo Công An Thành Phố:

Tranh chấp căn nhà mặt tiền đường Lê Thánh Tôn, quận 1: Bản di chúc khuất tất

Thứ ba, 18/12/2012 08:36

(CATP) Mặc dù không dư dả nhưng thể theo nguyện vọng cuối đời của cha, bà Trần Thị Tuyết (SN 1952, quốc tịch Pháp) vẫn chạy vạy vay mượn tiền bạc để cha được làm chủ sở hữu căn nhà mặt tiền đường trung tâm quận 1. Thế nhưng sau khi qua đời, người cha lại di chúc cho người con trai út được thừa kế khối tài sản trị giá cả ngàn cây vàng. Điều đáng nói, bản di chúc có những điều khuất tất.

CHỮ HIẾU…

Hai cụ Trần Văn Đạt (SN 1918) và Vũ Thị Vân sinh thành được bốn người con. Bà Tuyết là trưởng nữ cùng hai người em đều định cư ở nước ngoài. Sau khi bà Vân qua đời (năm 1998), cụ Đạt sống với anh con trai út Trần Văn Trương tại số 163 Lê Thánh Tôn, P. Bến Thành, quận 1.

Bà Trần Thị Tuyết trình bày sự việc

Bà Tuyết tường trình: năm 2005 cụ Đạt nhận thông báo của Công ty quản lý nhà quận 1 được mua hóa giá căn nhà 163 Lê Thánh Tôn theo Nghị định 61/CP, giá khoảng 350 triệu đồng. Cụ không có tiền nên kêu gọi các con đóng góp, ông Trương và hai người em bà Tuyết không móc hầu bao. Cụ Đạt năn nỉ bà Tuyết hỗ trợ vì ước nguyện cuối cùng của cụ là được làm chủ căn nhà này và chết tại đây. Thời điểm đó bà Tuyết cũng có ý định hồi hương, theo luật phải được thân nhân có tài sản bảo lãnh. Bà Tuyết bày tỏ nguyện vọng của mình cho cha nghe và cụ Đạt hứa sẽ bảo lãnh hồi hương cho con gái sau khi thủ tục mua nhà hoàn tất.

Vì chữ hiếu nên dù không có tiền, bà Tuyết phải cố gắng chạy vạy vay mượn cho đủ. Năm 2006, căn nhà đã có sổ đỏ mang tên cụ Đạt. Do toàn bộ tiền mua nhà đều của bà Tuyết nên cụ Đạt đồng ý để con gái giữ sổ đỏ. Tuy nhiên từ khi việc mua nhà xong xuôi, cụ Đạt chẳng những không thực hiện lời hứa bảo lãnh cho bà Tuyết hồi hương mà còn cùng người con trai út thay đổi thái độ cư xử. Mỗi lần vợ chồng bà Tuyết về thăm cha đều bị ông Trương gây sự, kiếm cớ “mời” ra khỏi nhà. Có lần bà Tuyết bị ông Trương hành hung gây thương tích phải nằm điều trị tại Bệnh viện Pháp Việt hơn một tuần.

… VÀ CÁI TÌNH

Tháng 3-2012, hay tin cha bệnh nặng bà Tuyết vội về nước, đến ngày 20-3 cụ Đạt qua đời. Mấy ngày sau, ông Trương bất ngờ yêu cầu bà Tuyết giao lại sổ đỏ và trưng ra bản di chúc của cụ Đạt ký ngày 5-7-2007, công chứng viên Trần Anh Tuấn  thuộc Phòng công chứng số 3 xác nhận nội dung ông Trương được thừa kế căn nhà 163 Lê Thánh Tôn. Đọc bản di chúc, bà Tuyết té ngửa khi phát hiện trong đó ghi sổ đỏ căn nhà hiện đang thế chấp tại Ngân hàng TMCP Á Châu?! Mặc dù đang giữ sổ đỏ nhưng bà Tuyết vẫn đến Ngân hàng Á Châu xác minh. Nơi đây khẳng định không có hồ sơ thế chấp giấy tờ căn nhà này.

Theo luật sư Phạm Văn Việt (Công ty luật Phạm Việt), nhà đất là tài sản bắt buộc đăng ký quyền sở hữu, theo nguyên tắc khi công chứng phải xuất trình sổ đỏ gốc, trường hợp đang thế chấp tại ngân hàng thì phải có sự xác nhận và chấp thuận bằng văn bản của ngân hàng mới được lập di chúc. Như vậy bản di chúc đã có dấu hiệu gian dối.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, người làm chứng khi lập di chúc là bà Nguyễn Thị Hường lại có mối quan hệ quen biết với luật sư của ông Trương là ông Nguyễn Quang Tâm, do đó việc làm chứng này đã thiếu khách quan.

Bà Tuyết cho biết, ông Nguyễn Quang Tâm nhiều lần gây sức ép buộc bà Tuyết phải giao sổ đỏ. Động thái này không xong, ông Trương quay ra làm đơn cớ mất sổ đỏ nộp lên Phòng Tài nguyên và môi trường quận 1 đề nghị cấp lại, nhưng bà Tuyết đã kịp gửi đơn ngăn chặn. Không còn cách nào khác, ông Trương xuống nước đưa ra bản thỏa thuận phân chia tài sản, theo đó căn nhà được chia làm tám phần, ông Trương hưởng năm phần, còn lại ba chị em bà Tuyết mỗi người một phần, yêu cầu bà Tuyết ký và giao sổ đỏ. Bà Tuyết không chấp nhận phương án này.

Các luật sư đều bảo bản di chúc thừa kế trên đây là vô hiệu. Như vậy những người đã giúp sức (công chứng viên, luật sư, nhân chứng) hình thành bản di chúc đã làm trái với lương tâm, đạo đức nghề nghiệp. Căn nhà khả năng sẽ được định đoạt theo Luật thừa kế, các đồng thừa kế phải có trách nhiệm hoàn trả lại bà Tuyết khoản tiền mua nhà. Đó là vấn đề pháp lý, còn cái tình thì nghìn vàng khôn chuộc. Khi nhắm mắt xuôi tay chẳng ai mang được nhà đi, chỉ có tình máu mủ mới trường tồn. Rất mong ông Trương cùng anh chị em trong nhà nghĩ lại…

 THANH HUYỀN