Đọc Kiều của Má

Đọc Kiều của Má – ©Mathilde Tuyet Tran, France 2010

Khi má tôi qua đời, tôi về chôn má. Nắp hòm đã đóng chặt, tôi chỉ nhìn thấy cái hòm, không thấy má nữa. Trong căn phòng của má vẫn còn khá nguyên vẹn đồ đạc quần áo của má tôi sử dụng trong những ngày cuối đời. Trên bàn, đúng ra là cái bàn học của tôi ngày xưa, bằng gỗ quý mầu đỏ đậm, có vân, mặt bàn lát một tấm kính dày cắt bốn góc kim cương, đặt một cái rổ mây đan, đựng những thứ má tôi luôn cần hàng ngày, cái lược, cái kính đeo mắt, chai dầu xanh, mấy cái kẹp tóc…và một quyển Kiều bỏ túi, bìa cứng, mầu đen, trang bìa in một họa phẩm vẽ bằng bút nho của Nguyễn Tiến Chung, in năm 1972.

Tôi nói thầm với má, má, con đem cái kính, cái lược và cuốn Kiều đi theo. Má tôi cho. Suốt thời gian ở nhà, tôi ngủ trên giường của má, trong phòng má, nơi má qua đời, trong nhà, đứa nào cũng sợ, không dám đặt chân vào phòng má, máy lạnh chạy vù vù suốt đêm, mà tôi thấy má kéo chăn đắp cho tôi rất ấm.

Cuốn Kiều nhỏ theo tôi như bóng với hình, lúc nào cũng nằm trên bàn làm việc. Tôi khám phá ra là má tôi bói Kiều, bên trong, có bút tích ghi ngày, chỗ câu được bói, và hai tờ lịch xé, gấp làm tư, đó là tờ bìa cuốn lịch và tờ ngày 01.01. Má quyết định lìa bỏ cõi trần vào sáng ngày 04. Nhiều người bảo, đàn bà con gái không nên đọc truyện Kiều, lại càng không nên bói Kiều, vì sẽ vận vào mình, như Kiều bị vận bởi hồn ma Đạm Tiên. Điều này có lẽ đúng, trong các câu má tôi bói, có hai câu vận vào người « Nhẹ nhàng nợ trước đền bồi duyên sau…Lân la tìm thú bên sông Tiền Đường », đoạn kể khi Kiều bị Hồ Tôn Hiến gả cho thổ quan, bèn nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn.

Thỉnh thoảng tôi cầm cuốn Kiều, dở đại một trang, chỉ đại một câu, rồi ngồi ngẫm nghĩ xem câu ấy, đoạn ấy, nói gì. Trong Kiều có hai chiều hướng, bói đúng câu vui thì mình vui, bói đúng câu buồn, đoạn buồn thì mình buồn, mình lo. Bởi thế, hôm nay ngồi đây, tôi còn thương má, tội nghiệp má, đắm mình trong hư vô của định mệnh, không gặp được người giúp mình như Kiều đã gặp sư cô Giác Duyên.

Đọc Kiều của má, nhưng tôi có cái may mắn hơn má. Những bước vấp đã qua, là một lần đứng dậy, dù phải bò, lết một đoạn đường, tôi như chết nhiều lần, sống lại nhiều lần, không bằng thân xác, mà bằng ý chí và tâm hồn. Kiều là một bài học cho cái mình muốn thì không được, cái mình không muốn lại đến. Cuộc đời, nếu mọi cái „tôi muốn…“ đều thành cả, thì sẽ không có chiến tranh, chỉ có hòa bình, không có khổ đau, chỉ có hạnh phúc. Dễ quá, anh muốn đánh tôi? Tôi sẽ muốn anh đứng im. Anh đau đớn? tôi sẽ muốn cho anh an lành…Kiều cũng là bài học cho cái hiểu hay không hiểu của mình. Hiểu được vấn đề mình sẽ tìm ra câu trả lời. Còn có đi được đến giải pháp thật sự hay không, lại là vấn đề của cái “lực” thực tế. Có thực lực hay là “lực bất tòng tâm” ?!

Con đường của Kiều là con đường nhân quả. Cái muốn của Kiều trong thực tại của nàng khi ấy không mạnh bằng cái bó buộc sẽ phải gian truân suốt một thời gian dài, để cứu cha Vương ông và gia đình. Kiều muốn giữ trinh tiết với Kim Trọng? „Phải điều ăn xổi ở thì, Tiết trăm năm nỡ bỏ đi một ngày!“. Thì đây, nàng Kiều phải chấp nhận điều mình không muốn „Nghề chơi cũng lắm công phu, Làng chơi ta phải biết cho đủ điều.“ Chơi cho tới bến. Nhưng đó có phải là một cuộc chơi? Những gian truân Kiều trải qua, nhục nhã thân xác thì có giới hạn nhưng cái nhục tinh thần to lớn hơn, không đong đếm được.

„Lễ xong hương hỏa gia đường,

Tú bà vắt nóc trên giường ngồi ngay.

Dạy rằng: „Con lạy mẹ đây,

Lạy rồi sang lạy cậu mày bên kia.“

Cái nhục bán thân không lớn bằng cái nhục phải quỳ lạy Tú bà và Mã Giám Sinh. Bao nhiêu „Tú bà“, bao nhiêu „Mã Giám Sinh“ thời hiện đại chỉ nhăm nhe bán người, vừa bán cả thân xác lẫn lợi dụng tinh thần trí tuệ của người khác, để đem lợi nhuận về cho mình. Còn những thằng „Sở Khanh“? một loại dơ bẩn đặc biệt, thâm hiểm, xảo quyệt, phản bội, nhân danh chữ tình để tịch thu chữ tín, cũng tràn đầy nhan nhản trong xã hội.

Nhưng nếu có biết đâu là nhân đâu là quả đâu là nợ đâu là duyên thì cũng không tránh được. Thuyết „Định Mệnh“ là một tư tưởng an ủi nhiều người chấp nhận mọi khó khăn, ráng sống, ráng chịu đựng cho qua những ngày những đêm đau khổ, bớt hiềm khích, an phận chờ ngày nhân quả nợ nần chấm dứt. Chấp nhận định mệnh là buông thả theo dòng đời trôi, cái số mình nó thế, không muốn gỡ nút thắt, không muốn chấm dứt nhanh chóng sự đau khổ của mình. Hết đại hạn mười năm này sẽ còn tiếp tục đại hạn mười năm tới. Giống như chương cuối của Kinh Dịch – quẻ thứ 64, Vị Tế – khi đã dần dần lên tới đỉnh cao rồi thì cái vực thẳm đã trông thấy ngay trước mắt, tưởng đã xong, lại hóa ra còn phải tiếp tục, con người lại dần dần đi xuống, trạng thái tĩnh không có, trở lại chương đầu – quẻ thứ 1, Thuận Càn, thưở trời đất bắt đầu rộng mở, như một cái vòng tròn khép kín.

Đi song song với thuyết Định Mệnh trong truyện Kiều là thuyết Tài Mệnh „Chữ tài liền với chữ tai một vần“. Càng đẹp, càng tài hoa, tài giỏi bao nhiêu lại càng khốn khổ bấy nhiêu, không những bị người ghen, mà đến cả trời cũng ghen „Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.“

Nhiều người hay trích câu…“Cũng liều nhắm mắt đưa chân, để xem con Tạo xoay vần đến đâu.“ Trên thực tế, mình nhìn lại thấy, có khi không thấy, con đường mình đã trải qua, mình nhìn tới, không biết ngày mai sẽ ra sao. Mỗi người loay hoay, loay xoay trong những cái bó buộc, bắt buộc của hoàn cảnh đời mình, tìm một lối ra, khi có, khi không. Nhiều người đáng thương hơn là đáng ghét. Nhưng liều lĩnh một cách dại dột, thiếu suy nghĩ chín chắn là tự đưa mình vào bước đường cùng, thách đố con Tạo xoay đến bến. Những cái nhầm lẫn thường là những cái giá rất đắt phải trả. Không những tuổi trẻ bồng bột hay nhầm lẫn, mà sự nhầm lẫn đó không tha một ai trong bất cứ tuổi nào, vì trong cái nhầm lẫn có chút hào quang của sự hy vọng, của ảo tưởng.

Nhưng mà, nếu đã „nhìn thấy“ được sự đau khổ của mình, sự nhầm lẫn của mình là cởi được phân nửa cái nút rồi, phần còn lại là tìm con đường đi ra, thoát nạn. Con người với khả năng sinh còn của mình, biết nghe theo những lời kêu gọi khác „Sông có lúc, người có khúc!“, „Đức thắng số!“, „Nhân định thắng thiên định!“, để còn dùng cái can đảm, cái tích cực làm cây gậy chống đi đường. Má đã cố gắng, muốn thoát tục, bán nhà, chia của để vào chùa, nhưng má không có duyên với nhà Phật, hay má không có may mắn gặp người giúp đỡ, con cháu không ai giúp, không thương má.

Người nhà Phật cho thêm hai vũ khí tự vệ đáng kể: „Ai thương mình sẽ là người giúp mình, ai ghét mình sẽ là người hại mình“, và „Không đặt chân đến chỗ mình không nên đến. Không làm những điều mình không nên làm!“. Thiền sư Nhất Hạnh có giảng câu: „Muốn biết nhân đời trước thì coi quả đời này, muốn biết quả đời sau thì coi nhân đời này“, giống như câu thành ngữ „Gieo gió gặt bão“ của người Việt, hay  „Qui sème le vent récolte la tempête“ của người Pháp, hay „Du erntest, was du säst“ của người Đức.

Nàng Kiều kể từ khi sa chân vì bán mình cho Mã Giám Sinh để chuộc cha, làm quen với bầu rượu, chuốc rượu và chính Kiều cũng say rượu để quên đi nhục nhằn. Nhục nhằn vì đời sống thường nhật ở lầu xanh hai lần, với Tú bà và Bạc bà. Nhục nhằn vì bị đánh đập. Kiều bị đánh đập nhiều lần, Tú bà cho đánh Kiều sau khi Kiều bị Sở Khanh lường gạt trốn ra khỏi lầu Ngưng Bích, quan phủ cho đánh Kiều vì cha của Thúc sinh ra quan phủ tố giác Kiều là gái lầu xanh,  Hoạn thư ra lệnh đánh Kiều 30 trượng đòn ghen.

Kiều và Kim Trọng uống rượu khi gặp nhau :

Tóc tơ căn vặn tấc lòng,

Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.

Chén hà sánh giọng quỳnh tương,

Dải là hương lộn bình gương bóng lồng.

Kiều chuốc rượu khách làng chơi ở lầu xanh của Tú bà:

Lầu xanh mới rủ trướng đào

Càng treo giá ngọc càng cao phẩm người

Biết bao bướm lả ong lơi,

Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm.

Kiều tìm quên trong rượu để nhắm mắt đưa chân:

Dập dìu lá gió cành chim

Sơm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường khanh

Khi tỉnh rượu lúc tàn canh

Giật mình mình lại thương mình sót sa.

Thúc sinh gặp Kiều ở lầu xanh của Tú bà:

Sinh càng một tỉnh mười mê

Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân

Khi gió gác khi trăng sân

Bầu tiên chuốc rượu câu thần nối thơ.

Trong gần một năm trời được ăn ở yên ấm với Thúc sinh, chén rượu quân cờ cũng là niềm vui của hai người:

Mảng vui rượu sớm cờ trưa,

Đào đà phai thắm sen vừa nẩy xanh…

Đến khi Thúc sinh tạm biệt Kiều để về thăm vợ, thì chén rượu cũng đánh dấu sự chia ly:

Cầm tay dài ngắn thở than,

Chia phôi ngừng chén hợp tan nghẹn lời.

….

Chén đưa nhớ bữa hôm nay

Chén mừng xin đợi ngày này năm sau!

Vợ chồng Thúc sinh cùng nhau uống rượu mừng xum họp, Hoạn thư giả vờ không hay biết gì về tình duyên giữa Thúc sinh và Kiều:

Tẩy trần vui chén thong dong

Nỗi lòng ai ở trong lòng mà ra.

Mấy phen cười nói tỉnh say,

tóc tơ bất động mảy may sự tình

Hoạn thư cho bọn Khuyển Ưng đi đường biển nhanh chân bắt cóc được Thúy Kiều đem về tận tư dinh. Thúc sinh trở về thăm Kiều, đi chậm hơn, về đến nơi thì lại tưởng Kiều đã chết cháy, bèn quay trở về nhà vợ, thì Hoạn thư cho Hoa nô ra hầu rượu, gẩy đàn:

Tẩy trần mượn chén giải phiền đêm thu

Vợ chồng chén tạc chén thù

Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi.

Hồ Tôn Hiến bắt Kiều hầu rượu, sau khi Từ Hải mắc mưu chết đứng giữa trận tiền:

Bắt nàng thị yến dưới màn

Dở say lại ép cung đàn nhặt tâu.

Và khi Kiều gặp lại Kim Trọng, trong bữa tiệc mừng của gia đình:

Tàng tàng chén cúc dở say,

Đứng lên Vân mới giãi bày một hai

Rượu cũng là giọt mối men đêm động phòng giữa Kiều và Kim Trọng:

Động phòng dìu dặt chén mồi

Bâng khuâng duyên mới ngậm ngùi tình xưa.

Thêm nến giá nối hương bình,

Cùng nhau lại chuốc chén quỳnh giao hoan.

Chỉ có một nhân vật được cụ Nguyễn Du phong làm “anh hùng” và có phong cách của người anh hùng, đó là Từ Hải. Từ Hải cho bày tiệc khoản đãi ba quân, nhưng Từ Hải không say sưa và không bắt Kiều hầu rượu.

Nguyễn Du chỉ cho chén trà xuất hiện một lần duy nhất trong truyện Kiều, trong một khung cảnh ngang trái. Trong đoạn này, tác giả đã làm cho hình ảnh của Hoạn thư nổi bật, hình ảnh của Kiều bị đẩy xuống, mờ nhạt trong tư thế kẻ lép vế, cùng đường. Đó là tình cảnh Kiều được Hoạn thư cho đi tu, chép kinh ở Quan âm các, đổi tên trần thế thành tên “Trạc Tuyền”. Hôm ấy, Hoạn thư giả vờ đi vắng, Thúc sinh vội vã đến gặp Kiều để giãi bày tình cảnh với Kiều, Kiều xin Thúc sinh giúp Kiều trốn ra khỏi vòng phong tỏa của Hoạn thư (“Liệu bài mở cửa cho ra, ấy là tình nặng ấy là ân sâu”). Nào ngờ, Hoạn thư đã trở về, rón rén vào gần Quan âm các, đứng nghe chán chê hết mọi chuyện, rồi mới “rẽ hoa bước vào”, ra tuồng không biết gì cả. Vợ chồng Thúc sinh Hoạn thư ngồi “chơi” với Kiều cũng lâu, uống cạn ấm trà mới về nhà, cho thấy cái ghen của Hoạn thư là những hành động tính toán thâm độc, mưu trí, khôn khéo.

Thiền trà cạn nước hồng mai

Thong dong nối gót thư trai cùng về.

Đem “rượu”, một chất kích thích mọi tính trần tục của con người, của xã hội, đối với “thiền trà”, nước uống của nhà Phật là cụ Nguyễn Du cũng khéo léo sử dụng sự tương phản cực đoan giữa “trắng và đen”, “xấu và tốt”, giữa “Phật và đời”. Chỉ trong có hai câu thơ lục bát, mà cụ đã diễn tả được một sự yên tĩnh của tâm hồn “thiền”, sự đẹp đẽ “hồng mai”, sự bình tĩnh, hài lòng “thong dong”, sự hòa hợp phải đạo vợ chồng thời ấy “nối gót”, lại được nhấn thêm bởi chữ “cùng”. Cái “thong dong” của Hoạn thư chính ra là cái thỏa mãn xấu xa của một người đắc chí về sự trả thù tinh vi thâm độc của mình, đã làm cho người chồng và người tình nhân (hay vợ bé) phải nhìn tận mặt nhau mà ngậm đắng nuốt cay.

Kiều, một lần muốn dùng dao tự vẫn vì nhục nhã, một lần muốn chết chung với Từ Hải, một lần muốn nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn vì hối hận đã nghe lời dụ dỗ của Hồ Tôn Hiến, làm cho người chồng thứ hai của mình, Từ Hải, chết đứng giữa trận tiền. Ba lần Kiều đi vào ngã rẽ của cuộc đời là cả ba lần Kiều vì cô đơn mà mềm yếu, nghe theo những lời ngọt ngào, đường mật của Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến và Bạc bà. Ngay Từ Hải, cũng vì nhân quả, phải gặp Kiều, cưới nàng Kiều với một lễ vu quy long trọng, rồi phải chết vì Kiều.

Cái thong dong cuối đời của Vương Thúy Kiều và Kim Trọng sẽ không có, hai người sẽ không phải là „Chẳng trong chăn gối cũng ngoài cầm thơ“, nếu Kiều đã không đã trải qua mười lăm năm dài thăng trầm rất mực, nếu Kim Trọng, qua cuộc sống đôi lứa với Thúy Vân, chưa hiểu được rằng hạnh phúc thân xác không lớn bằng hạnh phúc tinh thần, hạnh phúc trí tuệ. „Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao.“ Chính nàng Kiều, đã tìm ra lối thoát cho mình, mới đưa Kim Trọng về con đường có tình có nghĩa và có tự trọng.

Còn lại cụ Nguyễn Du với tâm tình: „Dặm khuya ngất tạnh mù khơi, thấy trăng mà thẹn những lời non sông!“

Còn lại má, với câu bói Kiều, với tiếng đàn buồn cho Hồ Tôn Hiến nghe: „Một cung gió thảm mưa sầu, Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay!“

Còn lại tôi, với câu thơ: „Chém cha cái số hoa đào, Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi!“

Cuối cùng và cuối cùng, Kiều không hẳn hoàn toàn là định mệnh ngặt ngã, vì cụ Nguyễn Du đã gởi gấm lại ngàn sau hai câu thơ lục bát tràn đầy hy vọng: „Trời còn để có hôm nay, Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.“  ©Mathilde Tuyết Trần, France 2010