Mưa bóng mây tháng bẩy

Mưa bóng mây tháng bẩy – © Mathilde Tuyết Trần – France, Juli 2005

Liên vung hai tay nắm chặt cái bọc ba ga, cố  trì giữ cái xe của chồng lại:

–         Anh đi đâu ? Đi lại nhà con đĩ đó hả ?

Giọng nói lạc hồn của Liên loang trong không gian mờ sáng ở cuối cái ngõ hẹp.

Chợt Liên choáng váng, trời đất tối sầm lại trong vài giây phút. Một dòng máu ứa ra từ mũi. Thằng chồng khốn nạn, nó lại đánh mình rồi. Uất ức và chán ngán, Liên buông hai tay ra. Thôi để mặc cho nó đi.

Hùng vẫn không thèm nói một tiếng nào, cũng không thèm nhìn mặt vợ, đẩy vội chiếc xe Honda mầu đỏ ra khỏi ngõ hẻm. Thứ con đàn bà hỗn láo như thế thì phải đánh cho nó chừa.

©

Bốn rưỡi sáng.

Mặt trăng tháng bẩy tròn lẳn còn sáng lóng lánh trên nền trời xanh đen mênh mông. Trên mặt đất, vài ngọn đèn đường vàng vọt, của những cột đèn chưa bị hỏng, đã được bật lên, sáng vàng vọt. Một gánh bánh canh, một xe mì, một xe phở, đã có mặt trên vỉa hè. Họ chiếm mỗi người một chỗ, từ đầu đường cho tới tận ngã tư. Mùi thơm bốc lên ngào ngạt từ những nồi nước lèo to lớn.

Một đàn gà năm sáu con cũng chạy luýnh quýnh trên vỉa hè. Vừa xả hơi cho đôi chân cà ngổng, vừa kiếm ăn. Chú Ba, của mấy con gà, đang bắt đầu xách lẹp xẹp mấy xô nước để rửa nhà. Chú chỉ thả đàn gà ra đường phố lúc mờ sáng, khi người còn thưa thớt trên con đường này, một trong những trục giao thông chính của thành phố , chứ ban ngày hay buổi tối thì hoặc là những xe gắn máy vô số kể sẽ cán chết gà hoặc gà sẽ bị mất cắp hết chẳng còn con nào.

Hàng xóm láng giềng chế giễu ông, vì ông nuôi gà ngay trên một con đường thật đẹp mang tên một vị Hoàng Đế yêu thích văn thơ, Lê Thánh Tôn. Nhưng mà những con gà này là nguồn lợi sinh sống duy nhất của ông, từ khi các con ông đã bỏ đi. Ông không thể ngồi yên mà trông mong hão huyền tiền bạc của con cái gởi về. Chú Ba bán trứng gà tươi mỗi ngày, và thỉnh thoảng bán được một con gà. Thời này con gà trị giá bằng một phần tư tháng lương. Một đĩa trứng rán và một đĩa rau muống xào là đủ cho một gia đình bốn miệng ăn. Hàng xóm sẽ hỏi thăm, sao bữa nay giết gà, chắc phải có một chuyện gì lễ tết quan trọng trong gia đình.

Cô Năm và cô Bẩy nhà bên cạnh cũng đã ra vỉa hè đi mấy đường quyền Tài Chí, hít thở phì phò như rắn hổ mang bên cạnh gốc me.

Tiếng chiếc xe gắn máy đỏ của Hùng loang dần xa xa.

Liên quệt tay áo chùi máu mũi. May mà thằng chồng chưa đánh gẫy răng.

Má Liên ngồi yên lặng trong mùng trên gường, nhìn con gái lủi thủi đi vào bếp. Dạo này chúng nó cãi nhau, đánh nhau như cơm bữa, bà    nghĩ thầm trong bụng.

©

Liên lục lọi tìm một miếng bông gòn, xé làm hai nhét vào mũi, rồi cởi áo, múc một nửa thau nước, bốc một nắm tro bếp giặt vết máu trên áo. Phơi xong cái áo lên sợi giây kẽm giăng chéo qua sàn nước trong bếp, nửa tấm thân trần của Liên đã nổi gai ốc vì gió lùa. Liên vội đi về giường, quơ đại một cái áo nào đó máng ở góc mùng đầu giường mặc vào.

Con Thảo và con Tí còn ôm nhau ngủ say sưa. Đêm qua, coi xong cải lương tới khuya, con Thảo năn nỉ sáng nay cho nó ngủ tới bẩy giờ, sáu giờ sớm quá con thức dậy không nổi, má ơi ! Nó còn đang nghỉ hè.

Gà ở các nhà hàng xóm coi bộ đã thức dậy cả, chúng đua nhau gáy o o. Các tiếng động hỗn tạp của góc phố dần dần trỗi dậy. Nghe tiếng chổi quét đường từng lát dài, mạnh mẽ, nhịp nhàng của bà Hai Lùn bên kia đường vọng qua, Liên vội vàng lấy cái chổi chà trong xó bếp, kẹp vào nách, rút hai cục bông gòn đẫm máu trong mũi ra, vất vào thùng rác và đi ra đường. Nay mai phải mua cái chổi mới nữa rồi ! Cái chổi chà cùn ngủn, quơ hai nhát cũng không làm bay nổi mấy cái lá me trong khe gạch.

Liên vừa quét được nửa vỉa hè thì cô Dung và thằng cu tới. Vẫn không ngừng tay quét, Liên ngó cô Dung cười méo xệch.

–         Nó lại đánh cho nữa rồi ! Khổ ! Đấy cái thời buổi này thì chỉ có đàn bà là hại lẫn nhau thôi. Con nào cũng sẵn sàng tuột quần giơ cái hĩm ra cả, cho nên bọn đàn ông mới lên chân !

Liên nắm tay cô Dung nói nho nhỏ:

–         Thôi cô ơi, cả xóm ….

Cô Dung ngắt lời Liên, cả quyết:

–         Hàng xóm biết càng tốt, Thằng giáo nào mà lại đánh vợ như đánh kẻ thù ?!

Liên thầm nghĩ trong bụng, vợ chồng thì như thế , chứ có thương yêu gì nhau đâu. Liên phải phục tùng cha mẹ cưới thằng thầy giáo Hùng để cho gia đình khỏi phải dọn đi nơi khác. Hùng lấy Liên để có cớ ở lại đây, và cũng tưởng Liên sẽ đem lại một món hồi môn kha khá. Chẳng qua là một cuộc đổi chác.

©

Trời dần sáng. Làn không khí mát rượi mùi lá cây non mới nhú. Đám bụi đường còn nằm yên dưới mặt đất, chưa được xới tung lên bởi người qua lại, xe đạp, xe gắn máy. Ở ngã tư đã xuất hiện đủ mặt: xe bánh mì thịt bên cạnh cột đèn, hai ba gánh bánh xèo, chả Huế nối nhau một dọc, gánh bún riêu khói bóc nghi nghút, hàng bánh cuốn đã bầy đủ mấy chiếc ghế đẩu chung quanh chiếc xe, ông bán chè đứng chống nạnh hai tay nhìn thằng con trai nhỏ cong lưng kéo nửa cây nước đá lạnh buốt lệt xệt từ phía ngoài đường vào gần xe.

Họ tụ tập ở đó buôn bán tới chừng khoảng chín mười giờ là thế nào cũng chạy toán loạn như ong vỡ tổ khi đám tuần tiễu đi qua. Đội tuần vừa quay lưng đi, thì ai nấy lại trở về chỗ quen thuộc của họ. Ngày nào cũng ít nhất biểu diễn hai lần màn múa ong vỡ tổ như vậy.

Liên và cô Dung đã bầy xong hàng hóa của mình. Mấy bộ đồ con nít, vài cái áo sơ mi đàn ông và chừng một chục cái nón may bằng vải và ny lông đủ mầu cho nam và nữ. Mỗi sạp chỉ rộng đúng một thước vuông và cách nhau đúng nửa thước tây. Họ bán cùng một loại hàng nhưng không ai cạnh trạnh với nhau. Thỉnh thoảng cũng có xây sát khi người này bán rẻ hơn người kia một ít, nhưng thời buổi này phải giúp nhau mà sống, nhất là khi có bóng dáng của ban kiểm soát xuất hiện ở đầu đường. Không ai nỡ làm bể nồi cơm của nhau.

Những người buôn gánh bán bưng và vỉa hè đều là những nhà kinh tế gia xuất sắc. Họ nuôi gia đình, trả thuế, trả tiền vốn mua hàng.. hàng ngày, hàng tháng. Đó là vấn đề sinh nhai sống còn của họ. Cuộc sống không dễ hơn, ngược lại, mỗi ngày mỗi khó hơn. Vật giá tăng hàng ngày. Con người, bản thân chính là ích kỷ, phần hồn sẽ chết khi phần xác đói ăn. Vì thế, không cần nghĩ đến cái thứ triết lý của những kẻ dư thừa ăn mặc, vấn đề ở đây là có vật chất cái đã, rồi mới đến cái hiện hữu.

Ngoài ra thế: ở đây có cái gì vui để giải trí ? xem phim ? xem kịch ? truyền hình ? đi bát phố ? đi chợ ? thật là nhàm chán ! cho nên, cái thú vị của đời sống là cái khẩu vị.

Tuổi càng gần đất xa trời, thì bà Hai Lùn lại càng thèm miếng ăn. Bà thèm ăn đủ thứ món quen thuộc, mà nghĩ đến thì nước bọt ứa ra đầy miệng, nào là chạo tôm nướng mía, bò bẩy món, bún riêu cua, chả giò, tôm rang, cá lóc nướng bánh hỏi…đủ thứ ngon trên trần đời. Bà ăn và cho phép ông ăn. Vì thế có một dạo ông Hai Lùn mỗi ngày ra quán uống bia nhập và nhậu ba sợi lai rai những món ông thích. Cho tới khi có người nói bóng nói gió đến tai bà Hai Lùn là ông Hai Lùn mới có thêm cô con gái „ nuôi “ ; bà mới khám phá ra rằng một cô phục dịch hai mươi cái xuân rất tươi trẻ đã phục dịch ông lão hơn bẩy mươi  tuổi của bà với những „ món “ khác, ông Hai Lùn trả công phục dịch chân tay bằng cách thuê nhà cho cô này ở và chi tiền cho nhiều chuyện khác.

Người ta nói thật đúng. Sau chiến tranh bọn đàn ông lại còn có giá hơn trước. Thời buổi trai thiếu gái thừa, có tiền mua tiên cũng được.

©

Bà Phú lục đục chụm củi nấu nước và chiên lại tô cơm còn dư ngày hôm qua cho cả gia đình ăn sáng. Mùi tỏi, mùi nước mắm và khói bếp đánh thức con Thảo dậy. Nó gỡ cánh tay nhỏ xinh xinh của con Tí đang quàng trên ngực nó xuống. Sao tay con Tí nóng bỏng ! Thảo rờ trán em nó, cái trán nóng hừng hực như lửa. Nó chui ra khỏi mùng, tỉnh ngủ hẳn.

–         Bà ơi, con Tí nó nóng !

–         Chạy ra đường kêu má mày đi, bà đang bận bếp.

Thảo lật đật xỏ nhanh chân vào đôi dép nhựa, chạy nhanh ra ngoài ngõ. Nó sợ bị má la, vì nó chỉ xin ngủ tới bẩy giờ sáng thôi, bây giờ phố phường đông đúc như vầy, chắn là đã trễ hơn bẩy giờ, em Tí lại nóng.

Dặn Thảo đứng trông hàng, Liên chạy vào coi con rồi hớt hải chạy ra.

–         Trời ơi, nó nóng quá, tôi lo. Bà và Thảo phải trông hàng. Cô Dung trông phụ nhé.

Liên đánh thức con Tí dậy. Con bé chỉ mở mắt uống vài muỗm cà phê nước, rồi nhắm mắt lại. Liên hy vọng, con bé không bị đau gì nặng, đang có dịch sốt xuất huyết ! Liên quấn con trong một cái khăn lông lớn, nhẩy lên một chiếc xích lô. Chú xích lô cẩn thận chăng cho hai mẹ con tấm bạt vải quanh xe chắn gió. Bà Phú chạy lóp xóp theo xe, chìa một cái khăn ướt nước lạnh cho con gái:

–         Này, đắp lên trán cho nó. Coi chừng gió máy !

Con Tí phải nằm nhà thương. Nó bị sốt thương hàn.

Vừa về đến nhà, Liên cú vào đầu con Thảo một cái cho bõ tức:

–         Ai cho mày đem em đi tắm mưa hôm qua ? Mưa có hơi đất. Mưa mà ai cũng đổ mồ hôi hột, mà mày dám dắt em đi dầm mưa !

Con Thảo chịu đòn nín khe. Nó cũng không dám nói là cái bụng nó đã sôi sùng sục từ lâu vì đói.

–         Mày đứng đây coi hàng đó nghe. Má phải đi mua nước biển và thuốc đem vào nhà thương cho em.

Cô Dung ngó theo Liên. Tội nghiệp. Con đau như thế này thì tốn bộn tiền.

Liên về đến nhà thì đã quá trưa. Cái áo ướt đẫm mồ hôi dán chặt vào lưng vào ngực. Lại cúp điện, quạt máy không chạy, Liên vớ lấy cái quạt giấy rách quạt phành phạch vào người.

Bà Phú than:

–         Từ sáng đến giờ tôi không đi chợ được. Nhà chẳng còn cái gì ăn, chỉ còn có bát cơm nguội buổi sáng.

–         Thôi , thế được rồi. Con Thảo ăn chưa ? Má nghỉ trưa đi, chút nữa bớt nắng thì đi chợ chiều cũng được.

Nuốt vội chén cơm nguội, uống nhanh một ly nước máy, Liên lật đật chạy ra hàng. Cô Dung cầm một nắm tiền đưa cho Liên:

–         Bà cụ giao cho tôi tiền bán được từ sáng đến giờ đây này.

–         Cám ơn cô. Tự dưng cháu bị xui hai ba chuyện một lúc !

Liên đã quên cái mũi còn rát bỏng bên trong. Liên đếm gói tiền. những tờ giấy bạc cũ kỹ nhơ nhớp, tờ hai chục, tờ ba chục, tờ năm chục…đếm không mệt bằng những tờ năm đồng, mười đồng, sen lẫn với những tờ giấy bạc mới tinh chưa có nếp gấp. Càng thấy nhiều tiền mới lại càng lo. Bán từ sáng đến giờ vẫn chưa đủ tiền chợ ăn cho ngày hôm nay.

Vài giọt nước nằng nặng rơi xuống. Trời vẫn còn nắng, rải rác những cụm mây đen nhỏ. Mưa bóng mây ! Mới à một tiếng mưa mây thì mưa đã tạnh. Chỗ Liên ngồi có bóng mát của một cây me rất to, những lá me xanh xanh nho nhỏ rơi vương vãi xuống xập hàng. Liên cầm cái chổi lông gà quét nhè nhẹ trên sạp, sửa lại mấy bộ quần áo cho ngay ngắn. Chợt Liên sững lại:

–         Ơ, thiếu mất một bộ quần áo !

Cô Dung ngần ngại nói với Liên:

–         Có một lúc tôi đông khách quá, chỉ có hai bà cháu lúi húi bên ấy. Bọn ăn cắp nhanh tay lắm, chỉ cần sơ ý một tí là mất ngay. Coi kỹ lại coi !

Liên chán ngán lắc đầu:

–         Không, cháu vào nhà một chút cô nhé.

Bà Phú đang nằm lim dim đong đưa trên võng, cái quần đen vén lên đến tận đầu gối, một ống chân trần chống xuống đất, dạo này bà bị hay mất ngủ. Tiếng Liên sang sảng bên tai làm bà giật mình mở mắt:

–         Má để mất cắp hàng hay là má bán hàng rồi dấu tiền đi ?

Bà Phú chống tay xuống đất, ngồi dậy:

–         Mày muốn bảo tao ăn cắp của mày à ?

–         Con hỏi má đấy ! Má với con Thảo trông hàng thì hay mất đồ, con trông thì không mất. Lời lõm được bao nhiêu đâu mà mất luôn cả vốn !

Giọng bà cụ chửi con cũng không thấp hơn giọng Liên:

–         Con cái có hiếu gớm. Mày cứ mất của rồi đổ thừa cho tao đi. Ăn cắp tiền của mày để làm gì ? cứ hỗn láo !

Liên mát mẻ với mẹ:

–         Con biết má lắm má ơi. Có thiếu tiền để mua thuốc thì cứ nói con đưa, chứ đừng có chọc tức con. Vốn liếng của má con đã trả đủ, con không thiếu má một đồng nào nữa.

Bà Phú ngả người lại xuống võng, lẩm bẩm:

–         Đẻ nó ra, nuôi nó cho lớn, để nó chửi ngược lại mình. Ba nó mà còn thì mày dám hỗn với mẹ. Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng biển, con nuôi cha mẹ con kể từng ngày. Nó nuôi con mà lại chẳng biết thương cha mẹ.

Liên đã chạy dọc theo con ngõ hẹp ra ngoài đường.

Trời không có một cơn gió nào. Nóng.

©

Tám ngồi chàng hảng sau lưng Hùng phía sau xe gắn máy, hai tay ôm chặt quanh bụng Hùng, ép chặt bộ ngực vào lưng Hùng, dụi dụi cái đầu vào vai của Hùng và ngất ngây vì say nắng:

–         Đừng chạy nhanh quá anh !

Hùng cười hở miệng ha hả:

–         Chạy nhanh cho mát mà !

–         Anh uống nhiều bia rồi đó nhe, cái mặt đỏ lự à !

–         Mới có ba chai nhằm nhè gì ! Hồi nữa tới Long Thành mình nghỉ xả hơi.

Dãy núi Vũng Tàu gìa nua đã lùi lại sau lưng cặp tình nhân. Vũng Tàu hôm nay vắng khách, im lặng, trống vắng, phơi mình trong nắng và gió biển. Dãy quán ăn ở bãi sau, những quán ăn một thời vang bóng như „ Ánh Hồng „, „ Sài Gòn „, bây giờ đứng trơ trụi cũ nát, tường vôi loang lổ đầy những đám rêu, điêu tàn, đứng đó như là một chứng tích thời gian hơn là vật tô điểm cho một địa điểm du lịch của thời đại mới. Chỉ có những ai đã biết quá khứ vàng son của khu này mới hồi tưởng lại được khung cảnh vui vẻ năng động khi xưa.

Cái mới là khu tắm Đại Hàn, nằm ngay ngã ba con đường nối bãi sau và chợ. Giá của khu tắm Đại Hàn không mắc thua gì cái giá khi xưa, nhưng mà ai có tiền thì họ vẫn đổ tiền ra ăn.

Đám người nghèo khó trong những bộ quần áo rách rưới và bụi bậm bán nhãn, hột vịt lộn, cua, ghẹ, đậu hũ, mắm ruốc, bánh phồng tôm, thạch xanh thạch đỏ nước dừa, xen lẫn vớ những người ăn xin, đi ngang đi dọc lần quầng trên bãi cát nóng bỏng săn khách.

Tám hãnh diện khoa thân hình tròn lẳn, trắng nõn của mình trong bộ đồ tắm mắc tiền, xịn thứ thiệt, mà Hùng đã ăn cắp của vợ để tặng người yêu. Người đẹp như Tám đâu thèm mặt áo tắm mướn xấu xí và cổ lỗ xĩ.

Đám ghe chài đánh cá được cho về đậu ở bãi sau ngay trước quán Ánh Hồng xả những vệt dầu loang lổ trên bãi cát và mặt biển. Lúc Tám và Hùng rời bãi sau, đi vòng đường núi ra bãi trước thì nước biển đang rút dần, để lộ con dường từ bãi ra cái chùa nhỏ trên đảo.

©

Đoạn đường từ Bà Rịa về Long Thành khá tốt. Ra khỏi Bà Rịa xe nào xe nấy xả máy chạy nhanh cho đã. Có những khúc mặt đường hẹp lại, chạy qua những xóm nhà cất sát hai bên vệ dường. Người ta ngồi bệt hai bên đường nói dóc với nhau. Có nhà đem lúa mới gặt ra ven đường nhựa phơi vì họ không có sân xi măng, chỉ có sân đất. Từng cụm khói xe đen hôi hám phà lên những hạt lúa mới gặt.

Mấy đứa trẻ con chạy thì thà thì thụt qua lại, đẩy mấy cái vỏ dừa khô ra giữa mặt lộ cho xe chạy qua cán dẹp và bể nát. Thậm chí có nơi xe chạy qua phải cán lên mấy miếng tôn cong queo lồi lõm nghe ghê rợn chát chúa.

Từng đám nông dân thợ cày, quần áo nâu đen vá víu chằng chịt, đội nón che khăn chùm hụp, coi giống như những con bù nhìn lưu động, vừa đi vừa kéo theo nào cuốc, nào lưỡi liềm, nào chổi, sền sệt trên mặt đường.

Vài cái bảng „ Bánh bao „, „ Hủ tíu „ đong dưa lỏng lẳng trên vài cành cây hai bên đường.

Hùng ngoái cổ quay lại hỏi Tám:

–         Cưng có đói không ? Hay là mình đi thẳng, qua dốc 47, về tới ngã ba Vũng Tầu rồi ăn ở đó ? Bây giờ còn sớm, mới có sáu giờ hà.

Tám vừa cười âu yếm với Hùng, vừa khoác một cánh tay rộng tròn trong không khí:

–         Ở đây chỉ có chỉ có rừng cao su và khuynh diệp chứ có gì mà ăn…

Cánh rừng khuynh diệp còn non với những thân cây ốm yếu, cao lêu khêu và đám lá xanh mướt lay lay trong gió, bỗng quay cuồng như chong chóng, vang u u lên dần như cơn lốc xoáy trên cao, rồi biến mất trong một hố đen sâu thẩm.

Hùng đã không kịp trông thấy một chiếc xe đò chở đầy hành khách đang chạy trước mình tông vào một chiếc xe vận tải nhà binh cũ chạy ngược chiều ra. Hai chiếc xe to lớn dền dàng, cái đuôi một chiếc quay ngang chắn hết mặt đường. Cùng một lúc, chiếc xe Honda mầu đỏ của Hùng lao vào đấy, với Tám sau lưng.

Cũng may. Cái chết đến thật nhanh và ngắn.

©

Dãy nhà sàn bên kia rạch Bến Nghé phía bến Vân Đồn óng ánh trong ánh trăng rằm.

Liên và Tuấn ngồi yên lặng bên nhau đã lâu. Họ có nhiều điều để nói với nhau, nhưng chỉ có một câu hỏi mà không có câu trả lời:

–         Chừng nào anh đi ?

–         Ngày mai

–         Anh có khỏe không ?

Tuấn nheo một mắt với Liên:

–         Khỏe như voi !

Rồi buông câu hỏi quyết định:

–         Em đi theo anh ?

Liên làm thinh. Rồi nói nho nhỏ:

–         Anh chờ em được không ? con Tí còn nằm nhà thương !

–         Chờ em bao lâu nữa ! Anh phải đi.

Tuấn choàng tay. Kéo sát Liên vào người mình, ôm chặt và hôn thật mạnh trên môi. Một cái hôn thật lâu. Nhưng mà chút hơi ấm tình ái xác thịt này sẽ nuôi được bao nhiêu lâu niềm hy vọng yêu đương trong Liên.

Liên biết, mình sẽ ở lại với mẹ già và hai con thơ.

Tình yêu ? là gì thế  ?!

© Mathilde Tuyết Trần – France, Juli 2005