Même pas mal ! Hổng đau !
Même pas mal ! Hổng đau ! Mathilde Tuyết Trần, France 2006
Đậu Hũ giận dỗi, mặt mày bí xị, dọng cái này, dời cái kia, xếp cái nọ, cái bụng hỏi nheo nhéo, đi hay hổng đi, nhưng cái đầu thì tức lắm, biểu đi. Khăn gói đi !
Chàng Ken lại chọc tức cô em. Không biết nó giận cái gì. Nhiều khi, không đáng giận, cũng giận, không đáng hờn, cũng hờn. Nói với nhau bằng hai ba thứ tiếng, luôn cả tiếng… tay chân, thì làm sao mà không có hiểu lầm nhau. Cô em này chưa thuộc cái câu hát „ giận thì giận mà thương thì thương…“ bằng tiếng Việt.
Từ khi gặp Ken, chàng trai Việt đội lốt Ken – Ken và Barbi, cho dễ kêu vì cái tên Việt của chàng làm cho cô em đọc trẹo lưỡi, Đậu Hũ có nhiều lúc tự hỏi mình là ai, muốn nói cho nhanh hay cãi nhau, chửi bới ai thì vọt tiếng Đức, khi vui vui thanh thản thì nói tiếng Pháp, khi ôm đàn ghi ta ngồi hát một mình thì hát tiếng Anh, khi nhẩy múa theo điệu salsa thì hát tiếng Tây Ban Nha, khi đi trình diện xin việc thì khoe thêm tiếng Ý, nhưng tức khí vì không biết một chữ tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ của má , và cô em đâm ra giận má, đã không nói tiếng Việt trong gia đình và cũng không dậy riêng cho cô tiếng Việt. Chỉ được má đặt cái tên yêu để gọi trong nhà „Đậu Hũ”.
Đậu Hũ !
Ngày nào hai đứa cũng giận nhau, như cơm bữa. Có gì đâu mà lạ. Ken là một chàng trai Việt, chưa đi ra nước ngoài, chưa có kinh nghiệm sống với người nước ngoài, thường hay tròn mắt, nhìn cô em này, vóc dáng cao, ôm ốm như người mẫu, không thấy lai Tây cho lắm, mà cung cách thì nhất định hổng phải là cung cách gái Việt Nam.
Con gái gì mà võ nghệ đầy mình, môn võ nào cũng học, học từ Judo, Taiwondo, Karate, Box và thậm chí dám bay qua Thái Lan một mình hai ba tuần để học Box Thái, lãnh mấy cú đấm của gái Thái nới chịu bay về ! Chưa kể sáng nào cũng ra công viên múa gươm tập Tài Chí, làm cho các chàng trai trẻ đi tập thể thao tập hết muốn nổi, rồi lại đến trường tập múa năm sáu tiếng không biết mệt, con gái mười bẩy bẻ gẫy sừng trâu là thế … Đậu Hũ nhất quyết tự bảo vệ, và không muốn bất cứ ai có thể đánh đập mình. Món võ hiểm độc nhất của cô em là cái đá chân dũng mãnh, ôi cái chân dài xinh xắn, bàn chân thon thon, đá thốc vào bộ hạ, bể dái như chơi. Ken biết điều đó.
Con gái gì mà chửi người yêu như con nít… Đức…nói bậy ! Arschloch ! Cái lỗ đít ! Trời đất quỷ thần ơi. Có cô gái Việt Nam nào dám cả gan chửi người yêu, chửi chồng như vầy đâu, phải một điều thưa anh, hai điều dạ anh, ba điều vâng anh, không được cằn nhằn, không được cãi lý, không được mè nheo, anh bảo được là được, không là không mà thôi cũng là thôi, phải công, dung, ngôn, hạnh, dịu dàng, nhỏ nhẻ, ngọt ngào, cơm nước hiếu thảo trăm chiều, đâu có như cô em cãi không được bằng tiếng Việt thì tức khí chửi bậy bằng tiếng Đức. Như đàn ông khác thì, tao oánh cho mà gẫy răng, tao oánh cho mà chết. Nhưng Ken chỉ trợn mắt, lắc đầu, chờ mét …má cô em, chứ không dám oánh cô em hỗn xược này.
Con gái gì mà cãi suốt ngày. Đụng chuyện gì cũng cãi. Hiểu lầm cũng cãi. Hiểu sai cũng cãi. Huống hồ khi cô em có lý, lại còn cãi hăng tiết vịt thêm nữa. Cô em đúng cái tuổi con cừu non, hai cựa cứng còng, hay húc hay chờm. Con gái này chắc không biết làm dâu nhà chồng là gì. Ken mà láng cháng tán cô khác, hay năm thê bẩy thiếp thì chắc là chết với nó !
Hôm Ken nhổ hai cái răng khôn một lúc, bị đứt chỉ khâu, chảy máu dầm dề hai ngày, đau nhức thấu trời xanh, vừa đau vừa lả vì không ngủ được, không ăn uống được. Đậu Hũ tan trường xong ghé chợ chiều đi chợ, rồi về lụi hụi trong bếp cả giờ. Ken đói quá, nhưng nhìn cái đĩa Đậu Hũ dọn ra mà giận phun máu ! Mình thèm một tô cháo gà thơm phức, thịt gà xé thiệt nhuyễn như sợi chỉ làm thịt chà bông, gừng cay sắt lác rồi thái mỏng dánh, thêm một chút tiêu và một chút ngò xanh tươi thơm phức, mà cái gì vàng vàng ở trong cái đĩa ?
Đậu Hũ bảo Ken: Anh ăn đi, ngon lắm!
Ken cầm cái muỗng, guậy guậy chọc chọc trong cái đĩa, không biết là món gì. Đậu Hũ thường hay giữ eo để múa, vốn không ăn thịt, đi mua bơ, sữa và khoai tây ở các chợ Sài goòng về nấu món… khoai tây nghiền dâng người yêu, một món mà các bà mẹ Âu châu hay cho trẻ con ăn.
Dân Đức vốn có câu „ Die Liebe geht durch den Magen ” ( tình yêu dâng lên theo cái thỏa mãn của bao tử ), phụ nữ biết nấu ăn ngon thì giữ được chân đấng ông chồng, nhưng giữa Đậu Hũ và chàng Ken thì xôi hỏng bỏng không, Ken không thích món ăn mà Đậu Hũ thường được má cho ăn khi đau ốm. Đậu Hũ bí xị và thất vọng.
Hừm, khoai tây nghiền nấu theo kiểu của má tự làm là ngon hơn bất cứ tiệm ăn nào trên nước Đức. Má tìm đúng giống khoai tây, như các bà mẹ Việt Nam chọn gạo nấu cháo, nấu nhuyễn, xoay nhừ, cho một chút bơ, một chút kem sữa, con nít nào cũng há họng ra ăn ! Thế mà Ken lại giận, nổi khùng, lắc đầu, thở dài, nhăn mặt ăn vài ba muỗng lót bao tử, rôi chui vào gường nằm, quay mặt trong vách ! Không lẽ la ó bắt Đậu Hũ xách gà mèng đi mua tô cháo gà giờ này tối xùm xụp. Đậu Hũ chỉ thích ăn đậu hũ. Ken lẩm nhẩm, bữa nào nó ăn uống phải cái gì trúng độc, như ăn đậu hũ với mật ong, thì mình lại mang tiếng oan là giết nó.
Đúng là có số phần Ken phải gặp cái cô Đậu Hũ nửa Á nửa Âu, lai hai ba dòng máu. Nhiều lúc Ken phát khùng, muốn bỏ cho rồi, mấy cô rặc Việt Nam coi vậy mà dễ hiểu nhau hơn, cùng một ngôn ngữ, cùng một văn hóa, Đậu Hũ cũng phát khùng, muốn đi cho rồi, nhưng còn điều gì đó níu kéo hai người lại với nhau.
Đậu Hũ là con cá lội nước ngược về nguồn. Nhưng không ai thèm đếm xỉa tới con cá lẻ loi này.
Lần đầu gặp nhau ở Sè Goòng. Chà, cái chuyện này đúng là có duyên với nhau đây ta. Hôm đó, Ken hộ tống một cô bạn đồng hành người Úc mới quen trên xe buýt, đã đi chung nhau suốt chặng đường từ Sapa về thành phố Hồ Chí Minh, đến trụ sở của Saigon Tourist để hỏi thăm xem có ai tìm được giấy thông hành và tiền bạc của cô này bị mất dọc đường đi hay không. Cô bé trực ở Saigon Tourist, trẻ, xinh, cao dong dỏng, khuôn mặt còn có nét bụ bẫm như con nít, cứ trợn tròn đôi mắt đen láy nghe Ken huyên thuyên nói. Ken bụng bảo dạ, mình có lọ nghẹ trên mặt hay sao, mà con nhỏ này ngó dữ vậy.
Chờ Ken nói cho xong, cô bé trực ở Saigon Tourist nói bập bẹ, bằng một giọng lơ lớ:
– Em không hiểu !
Tay kia chìa ra cho Ken một quyển… Tự điển Việt-Đức nhỏ. Thiếu điều Ken muốn té xỉu. Con nhỏ này nói tiếng Đức ! Mà nó làm gì ở đây ?!
Thấy Ken gặp khó khăn, khi nói tiếng Việt tại…Việt Nam, cô bạn người Úc tuôn ra một tràng tiếng Anh để cứu bồ cho Ken tại quầy của Saigon Tourist. Hú hồn. Cô bé trực ở Saigon Tourist trả lời lại ngay bằng tiếng Anh.
Thế là ba người trẻ tuổi nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh và ngôn ngữ tay chân, giấy tờ và tiền bạc của cô bạn Úc thì mất luôn không tìm được, nhưng họ tìm được tình cảm mới.
Đậu Hũ đã tìm được việc làm ở Saigon Tourist, cô bé bán tua cho khách du lịch ngoại quốc, với số lương kiếm được cô trả tiền thuê phòng và ăn uống tại Sè goòng để tìm trường học múa, vì bị cậu và ông ngoại đuổi ra, không cho ở trọ trong nhà, với lý do là Đậu Hũ hay đi về khuya, không chịu về nhà trước bẩy, tám giờ tối, và ở luôn trong nhà, giờ cậu và ông ngoại đóng cửa nhà mỗi ngày, để cậu yên ổn ngồi chơi các trò chơi trên máy vi tính cho tới khuya lơ khuya lắc, còn ông ngoại thì nằm coi Ti Vi cho đến khi ngủ thiếp đi. Con gái gì mà cứ hay đi lông nhông một mình, lại không biết một chữ tiếng Việt. Chắc phải là gái hư, gái đoảng, mẹ nó không biết dậy con.
Tất nhiên hai người trẻ tuổi hỏi nhau ở đâu, làm gì. Đậu Hũ trả lời, tui học múa. Còn anh ? Tui học tin học.
Y chang. Con trai cỡ này thì chỉ đâm đầu vào ngành tin học. Nhưng múa ? Ken chỉ biết có mỗi một trường múa của thành phố này, và lái honda đưa Đậu Hũ đến coi trường chơi cho biết. Nào ngờ Đậu Hũ làm thiệt, xông vào văn phòng trường xin được múa thử và thi vào trường. Thầy cô thấy con bé, không biết nói một chữ tiếng Việt mà chân tay dẻo quẹo, đôi mắt đen nhay nháy, ánh mắt nhìn tha thiết chân tình, bèn cho Đậu Hũ nhập trường.
Đậu Hũ viết cho má, má ơi con ở lại học múa. Múa gì ? Múa dân gian. Múa nón, múa Chàm, múa Rong Chiêng, múa lụa, múa đèn, múa Sạp, múa Giao, múa Mâm Vàng… múa…
Bà má bên trời Tây, ngồi thẫn thờ nhớ lại ngày xưa, mình cũng đã thức trắng bao nhiêu đêm may không biết bao nhiêu là bộ quần áo múa cho những đêm văn hóa của sinh viên, và cũng không còn nhớ bao nhiêu lần đã múa trên sâu khấu nơi đây, sân khấu của những người gọi là Việt kiều, gọi cho nó sang, những con người bị châm biếm là dân lưu vong, tha phương cầu thực, nhưng chưa bao giờ được thấy con mình múa những điệu múa dân tộc.
Đã có người hỏi, sao kỳ dzậy, người ta thì chỉ muốn đi ra nước ngoài học muốn chết mà hổng đi được, còn cô này chạy về đây học múa dân gian. Đậu Hũ đâu có dám kể cho ai nghe là nó đã lên sân khấu từ năm sáu tuổi, múa, hát, diễn kịch, làm hề và đã học đủ mọi loại múa Âu châu.
Chắc Đậu Hũ không bao giờ kể cho Ken nghe, cơn gió nào đã đem cô em về Việt Nam. Má cũng không kể. Suỵt. Chuyện riêng tư. Mùa hè năm ấy, cánh chim non đi lang thang ở Bá Linh. Buồn. Khăn gói về Hamburg. Cũng buồn. Gọi má. Má ơi, đi đâu ? Thôi, con về thăm Việt Nam cho biết một lần, chắc hết buồn. Đậu Hũ khăn gói lên đường, hành trang và tiền bạc không có bao nhiêu, đủ tiền mua một vé máy bay khứ hồi và vài trăm dận túi, đúng y hệt như dân Sè gòong gọi là dân Tây ba lô, trẻ, nghèo, ít tiền… nhưng đầy nhiệt huyết, ham đi, ham học, đi một ngày đường học ngàn dặm xa, thích mở rộng kiến thức, tầm nhìn về thế giới và con người, vài món đồ tối cần thiết nhét đầy một cái ba lô đeo trên lưng là đủ, cô em chỉ tính đi chơi sáu tuần, cho biết. Tưởng rằng, ông ngoại và cậu sẽ vui vẻ đón tiếp và giúp đỡ. Bé cái lầm. Đậu Hũ bị ngay cái sốc, thất vọng và ngỡ ngàng. Làm sao nói cho má hiểu là mình bị ông ngoại và cậu hất hủi, vì má vẫn đinh ninh như đinh đóng cột rằng, gia đình của má, ông ngoại và cậu, là chỗ dựa vững chắc, an ổn cho mình, sẽ hết lòng giúp đỡ đứa cháu cùng một dòng máu từ nơi xa xôi tìm trở về nguồn ? Nếu nói, thì má có tin hay không ?!
Đậu Hũ chịu khó học tiếng Việt ngay. Viết được dăm ba câu tiếng Việt cho má thì mừng lắm, mà bà má ở bên trời Âu cũng ngỡ ngàng dụi mắt, sao con gái mình giỏi quá, mới có mấy tháng mà nó đã viết được mấy câu có bỏ dấu đàng hoàng.
Một hôm, chuông điện thoại reo, bà má té cái bịch xuống sàn nhà, Đậu Hũ gọi “Má ơi, con nè !” bằng tiếng Việt. Thật là một cảm giác lạ lùng khó tả, khi nghe tiếng đứa con gái ở đầu giây xa cách nửa vòng trái đất, tưởng như ai đâu xa lạ. Sau đó là một trận cười liên tục, mèn đét ơi, con học tiếng Việt của dân miền Trung hả con, một ngàn thì Đậu Hũ nói là một ngèn, cái bánh thì nói là cái bénh… , cái trầm bổng hổng phải giọng Nam mà cũng hổng phải giọng Bắc. Khi ấy Đậu Hũ còn giấu má, có „thầy“ dậy tiếng Việt tên là Ken, dân Đè Lẹt.
Từ sáu tuần thành ra ba năm. Thấm thoát thời gian trôi. Bao nhiêu lần muốn thôi. Bao nhiêu lần ráng thêm chút nữa. Đậu Hũ là con thoi, quay nhanh như chong chóng, bay như chim bay. Ken theo mệt nghỉ. Than, nhiều lúc muốn khùng luôn.
Nhất là những khi Đậu Hũ đi thi múa hay lên sân khấu biểu diễn. Ken vừa là vú em dỗ dành êm dịu thần kinh cho Đậu Hũ cho hết mè nheo, hết căng thẳng, vừa là tài xế bảo vệ, vừa là phụ tá xách lếch thếch mấy bị đựng quần xách áo son phấn bông hoa lỉnh kỉnh cho cô diễn viên múa xinh đẹp của mình.
Lần này cũng như những lần trước, Đậu Hũ không biết mình bị Ken chọc quê, khiêu khích. Lại rơi vào bẫy. Nổi giận đùng đùng. Dậm chân dậm cẳng với má. Hên quá, má và bác Tây nông dân đang ở chơi vài ngày để thăm Đậu Hũ, làm trọng tài can thiệp. Má ơi, Ken…!
Bác Tây nông dân tóc đã bạc trắng, hiểu liền trò chơi của tuổi trẻ, cười hề hề, khích sườn Đậu Hũ, giả giọng nói như con nít nhỏ:
– Thì có sao ?! Hổng đau ! ( Et alors ! Même pas mal ! )
Đậu Hũ chưa hiểu, trố mắt. Bác Tây nông dân cắt nghĩa thêm. Dại quá, đừng lọt bẫy khiêu khích của địch quân. Đã học nhiều món võ cứng thì phải biết học món võ mềm, cứng mà gặp cứng thì đứa nào cứng hơn đứa ấy thắng, đó là luật của kẻ mạnh, mình không đón khí công của địch mà phải biết lùi một bước, để cho địch tấn công vào chỗ trống, rồi mình tấn công lại. Trò khiêu khích, thách thức của „địch quân“ sẽ dừng lại ở đó.
Đậu Hũ hiểu ra. Nhoẻn miệng cười một nụ cười rất xinh đẹp, khoe hai hàm răng trắng tinh, nhưng đôi mắt đen nháy bắn ra những ánh lửa thách thức về hướng Ken, nói bằng tiếng Pháp:
“Même pas mal ! „ (Hổng đau !)
Ken thẫn thờ. Nhìn chăm chăm Đậu Hũ. Không nói được tiếng nào nữa hết.
Thật là tội nghiệp !
(MTT gửi lời thân mến thăm Ken.)