Hai mẫu Đệ nhất phu nhân thời Đệ ngũ Cộng Hòa Pháp: Yvonne de Gaulle và Danielle Mitterrand

Hai mẫu Đệ nhất phu nhân thời Đệ ngũ Cộng Hòa Pháp: Yvonne de Gaulle và Danielle Mitterrand ©Mathilde Tuyết Trần, France 2012

Danh xưng „Đệ nhất phu nhân nước Pháp“ (Première Dame de France) được giới truyền thông tại Pháp sử dụng để chỉ các bà vợ của tổng thống đương nhiệm. Khái niệm này được dùng để tương xứng trên lãnh vực ngoại giao cho khái niệm „First Lady“ của khu vực Anh-Mỹ và thế giới.

Hiến Pháp của nền Đệ ngũ cộng hòa Pháp không hề có thiết lập một cương vị, chức vị „đệ nhất phu nhân“ có chức quyền, mang tính chất hành chánh có quy chế tổ chức và ngân quỹ. Dân chúng chỉ bầu trực tiếp có một người lên làm tổng thống nắm vận mạng của dân và nước Pháp trong tay trong một nhiệm kỳ là năm năm.

Người đệ nhất phu nhân khôn ngoan, cũng như một người vợ bình thường khôn ngoan, là người hiểu trách nhiệm và bổn phận của mình phải giúp chồng sao cho xứng đáng trong suốt nhiệm kỳ, trước kia là 7 năm, bây giờ chỉ còn lại 5 năm, để đại diện cho hình ảnh của nước Pháp trên thế giới.

Nhưng trên thực tế, thì các đệ nhất phu nhân đã làm tốn nhiều giấy mực của báo chí, khen có mà chê cũng có, vì các tổng thống tùy tiện hành xử, cho phép thực hiện cương vị „đệ nhất phu nhân“ theo ý mình hay (nhất là) theo ý các bà vợ. Tuy nhiên, nói chung các đệ nhất phu nhân được yêu cầu phải có một phong cách „kín đáo“ và khiêm nhường (devoir de réserve) trong suốt nhiệm kỳ của quý phu quân.

Người ta thường nói, sau lưng một người đàn ông thành công là một phụ nữ mạnh. Câu nói đó không phải nêu ra một sự bất bình đẳng, người vợ chỉ đứng sau lưng, mà muốn diễn tả lên sự hòa hợp và nối sức của cả chồng lẫn vợ để đạt được mục đích của cả hai người. Trong phong cách Á châu, thì từ xưa đến nay, người phụ nữ khôn ngoan thường „nhường“ bước cho chồng trong xã hội, tôn trọng người bạn đời cũng là tôn trọng chính mình.

Đàn ông Pháp thường có tiếng trên thế giới là “galant”, lịch lãm với phụ nữ. Tôi thấy đặc tính nổi bật của phụ nữ Pháp là sự cứng rắn. Trong khi đó, phụ nữ Đức lại chiều chồng hơn, tình cảm hơn.

Người Âu châu cũng không nghĩ khác hơn châu Á, họ cũng biết giữ thể diện. Trên tầm mức quốc gia, sự hiện diện, xuất hiện, phong cách của người vợ một vị tổng thống nói lên giá trị cá nhân không những của người vợ mà tất nhiên có ảnh hưởng lên phong cách của chồng.

Thời Đệ ngũ Cộng Hòa Pháp do tướng Charles de Gaulle sáng lập năm 1958 đang tiếp diễn cho đến nay có các vị đệ nhất phu nhân là 1):

  • Yvonne de Gaulle, phu nhân của Charles de Gaulle (nhiệm kỳ 1959-1969).
  • Claude Pompidou, phu nhân của Georges Pompidou (nhiệm kỳ 1969-1974).
  • Anne-Aymone Giscard d’Estaing, phu nhân của Valéry Giscard d’Estaing (nhiệm kỳ 1974-1981)
  • Danielle Mitterrand, phu nhân của François Mitterrand (nhiệm kỳ 1981-1995).
  • Bernadette Chirac, phu nhân của Jacques Chirac (nhiệm kỳ 1995 à 2007)
  • Cécilia Attias, phu nhân của Nicolas Sarkozy (nhiệm kỳ 2007 à 2012), ly dị năm 2007.
  • Carla Bruni-Sarkozy, phu nhân của Nicolas Sarkozy, kết hôn năm 2008.

Trường hợp bà Valérie Trierweiler hiện nay là một trường hợp „moderne“ (tân thời), vì bà và đương kim tổng thống François Hollande chỉ sống chung tự nguyện, và bà Trierweiler vẫn tiếp tục muốn thực hiện nghề nghiệp viết báo của mình. Qua hai yếu tố đó, ông Hollande và bà Trierweiler có vẻ muốn thổi một luồng gió mới nhấn mạnh tính độc lập và tiến bộ của người phụ nữ nói chung vào điện Elysée, nhưng không được cảm tình của một tầng lớp dân chúng.

Theo một cuộc tham dò dư luận từ 28.09. cho đến 01.10.2012 của công ty Harris Interactive thực hiện cho tạp chí VSD thì 67% không có ấn tượng tốt, trong đó có 43% có ấn tượng tương đối xấu, 24% có ấn tượng rất xấu về bà Trierweiler. Kết quả thăm dò dư luận cũng cho biết là 42% cho rằng đời sống riêng tư của tổng thống Hollande có ảnh hưởng xấu lên hình ảnh của ông, và 44% cho rằng bà Valérie Trierweiler chiếm một ảnh hưởng „quá quan trọng“ trên chính trường nước Pháp.

Sau nhiều tháng sóng gió kể từ ngày nhậm chức tổng thống của ông François Hollande trong tháng năm, bà Trierweiler đã và đang kiện ra tòa một số báo chí và tác giả sách viết về lý lịch và đời sống của bà và đòi bồi thường thiệt hại, bà đã tuyên bố trên đài RTL Pháp vào ngày 21.11.2012 rằng bà nghĩ rằng sẽ ở ngôi đệ nhất phu nhân nước Pháp trong hai nhiệm kỳ tổng thống là mười năm. 2)

Tổng thống François Hollande đã tuyên bố đơn phương vào ngày thứ bẩy 25.01.2014 với AFP (Thông tấn Pháp), chỉ với một câu “Je fais savoir que j’ai mis fin à la vie commune que je partageais avec Valérie Trierweiler” (Tôi thông báo là tôi đã chấm dứt cuộc sống chung mà tôi đã chia xẻ với Valérie Trierweiler), và trưa ngày 25., theo báo Le Figaro, bà Valérie được hai chiếc xe chở từ cung điện La Lanterne về nhà riêng ở số 6-8 rue Cauchy, Paris quận 15. Trang chính thức trên mạng của bà “đệ nhất phu nhân” Valérie trong trang nhà của điện Élysée bị gỡ xuống, hộp thư chính thức của đệ nhất phu nhân nước Pháp trên Twitter bị đóng lại, mấy trăm hình ảnh bị xóa, và lý lịch của tổng thống được thay đổi, ông “trở thành” độc thân (célibataire) như từ trước đến giờ. Từ đó, kể từ đầu năm 2014 tổng thống Pháp François Hollande thực hiện các chuyến công du đi thăm chính thức nước Hòa Lan, thăm tòa thánh Vatican, đi thăm nước Mỹ… một mình.

Nổi bật nhất trong các bà đệ nhất phu nhân nước Pháp thời Đệ ngũ Cộng Hòa Pháp là bà Yvonne de Gaulle và bà Danielle Mitterrand, một người thuộc cánh hữu, một người thuộc cánh tả, nhưng cả hai đều biết đóng trọn vai trò, bổn phận và trách nhiệm của mình trong một giai đoạn thời gian bên cạnh người chồng đã đi vào lịch sử của nước Pháp, nên họ cũng để lại dấu ấn của chính bản thân mình.

Trong bài này tôi chỉ xin nêu ra những thông tin cơ bản để bạn đọc, nếu có thích thì tham khảo thêm.

Yvonne de Gaulle

YvonnedeGaulle_MTT2012Bà có tên con gái là Yvonne Charlotte Anne Marie Vendroux,sinh ngày 22.05.1900 tại Calais. Cha là ông Jacques-Philippe Vendroux IV (1868-1932) và mẹ là Marguerite Forest (1875-1933), đều xuất thân từ những gia đình rất giầu có. Ông Jacques-Philippe Vendroux IV kế thừa tài sản của tám đời trước là những nhà kỹ nghệ đóng và trang bị tàu thuyền. Khi sinh thời ông có nhiều chức vụ cao trong xã hội như quan tòa tại Tòa án thương mại, phó chủ tịch Phòng thương mại, chủ tịch hội đồng quản trị một nhà máy làm bánh….Bà Marguerite Vendroux là y tá trưởng tình nguyện của Hội chữ thập đỏ tại bệnh viện quân sự Calais từ 1914 đến 1918 (trong đại chiến thứ nhất) nên được thưởng mấy huân chương, trong đó có huân chương “Thập giá chiến tranh” (Croix de guerre). Dòng họ Vendroux (đổi từ tên gốc là Van Droog thành Vandroux, rồi chuyển âm thành Vendroux). Tài sản của ông bà Vendroux gồm có ba lâu đài ở Calais (Résidence de Calais), ở Coulogne (cách Calais 4 cây số), ở Sept-Fontaines, và một căn hộ gồm có 5 phòng tại số 37 boulevard Victor, quận 15 Paris dùng làm chỗ nghỉ chân, gặp gỡ, chứa đồ đạc, nhưng gia đình chỉ còn giữ căn hộ đến năm 1933. Thời đó, chưa đến cuối thế kỷ thứ 19, ngoài các cỗ xe do ngựa kéo của gia đình, ông Vendroux đã di chuyển bằng xe hơi, một chiếc 4 HP De Dion-Bouton.

Các hậu duệ trong gia đình Vendroux được giáo dục rất cẩn thận, tỉ mỉ theo phong cách quí phái trưởng giả, thí dụ như trẻ con không được góp chuyện trong khi ăn, chỉ được trả lời khi được hỏi, ăn súp không có tiếng húp xì xà xì xụp, học các cách sử dụng dao, nĩa, muỗng thay đổi theo từng món ăn, trong bàn ăn không lên tiếng đòi gì cả, chỉ chờ được phục vụ, đứng dậy ngay khi có một người đáng kính trọng bước vào, không nằm dựa ngửa trên ghế bành, không ngáp, không hỉ mũi ồn ào trước mặt người khác, không gập góc trang sách, xếp tờ báo lại ngay ngắn sau khi đọc, kéo ghế mời phụ nữ ngồi, nhường vỉa hè, lối đi cho người lớn tuổi, đi một bước chân sau lưng và phía bên trái của người đáng kính trọng…nhất là không bao giờ bắt đầu một câu nói bằng “Moi, je…” ( Tôi, tôi…)

Kế thừa một nền giáo dục cặn kẽ và một niềm tin không lay chuyển vào Thiên chúa giáo bà Yvonne de Gaulle là một mẫu người rất ý thức vào bổn phận, trách nhiệm cũng như chỗ đứng của mình bên cạnh một người chồng được dân Pháp kính trọng, tôn sùng. Sự xuất hiện khiêm tốn của bà, trang phục lịch sự nhưng không cầu kỳ, sự đồng cam cộng khổ của bà với chồng và gia đình trong thời kỳ Đệ nhị thế chiến, nhất là đôi vợ chồng de Gaulle đã bị số phận thử thách với sự sinh ra đời của đứa con gái út mang tên Anne de Gaulle bị dị tật bẩm sinh, đã đem lại cho bà nhiều thiện cảm của dân Pháp, và họ gọi bà bằng cái tên thân mật “Tante Yvonne” (Dì, mợ, cô Yvonne, hiểu theo nghĩa Việt Nam.). Trong thời đại của bà, Yvonne de Gaulle không thích những trường hợp ly dị vợ chồng và những trường hợp sống chung không kết hôn.

Kết hôn với Charles de Gaulle vào ngày 06.04.1921 tại Calais, bà sinh ba người con, Philippe de Gaulle (sinh 1921), Élisabeth de Gaulle (sinh 1924) và Anne de Gaulle (1928-1948). Philippe de Gaulle được lên chức Đô đốc hải quân năm 1980. Élisabeth de Gaulle kết hôn với Alain de Boissieu (1914-2006), một vị tướng trong quân đội Bộ binh Pháp. Chính tướng Alain de Boissieu là một trong những nhân vật tích cực giúp đỡ gia đình hậu duệ của vua Duy Tân (gia đình Vinh San) để đưa hài cốt của vua Duy Tân từ M’Baiki ở châu Phi sang Pháp rồi từ Pháp về Huế, Việt Nam vào năm 1987.3)

Yvonne de Gaulle qua đời năm 1979 tại Paris, thọ 79, và được chôn cất chung trong một hầm mộ với chồng và Anne de Gaulle tại nghĩa trang Colombey-les-Deux-Églises.

Danielle Mitterrand

Danielle Mitterrand có tên con gái là Danielle Émilienne Isabelle Gouze sinh năm 1924 tại Verdun, qua đời năm 2011 tại Paris, thọ 87 tuổi, được chôn cất tại Cluny trong hầm mộ của gia đình.

Trong suốt gần 14 năm qua hai nhiệm kỳ tổng thống của chồng (1981-1995), bà đã để lại danh tiếng là một người tích cực có những hoạt động chính trị và xã hội của chính bản thân mình, chứng tỏ một cá tính mạnh mẽ, cứng rắn, độc lập.

Trong thời Đệ nhị thế chiến, khi nước Pháp bị Đức Quốc Xã chiếm đóng, lúc mới 17 tuổi, bà gia nhập hàng ngũ kháng chiến, giữ nhiệm vụ liên lạc, chuyển tin tức. Đầu năm 1944, bà giúp François Mitterrand đi trốn kịp thời khỏi sự lùng bắt của Gestapo Đức, tiếng sét ái tình đã đến với hai người trẻ tuổi khi ấy.

Cuối năm 1944, sau khi Paris được giải phóng, bà kết hôn với François Mitterrand. Vợ chồng Mitterrand có ba người con trai, Pascal (sinh năm 1945, nhưng qua đời chỉ sau hai tháng), Jean-Christophe Mitterrand sinh 1946, Gilbert sinh 1949.

Đến phiên bà trên ngôi vị đệ nhất phu nhân, bà cũng muốn tạo ra hình ảnh một mẫu người phụ nữ Pháp bình dị, đơn giản, đối nghịch lại sự xuất hiện trưởng giả quí tộc của bà phu nhân trước, Anne-Aymone Giscard d’Estaing.

Bà nhìn nhận có chung sống một thời gian với một người đàn ông khác tên Jean, trong thời gian vẫn là vợ chính thức của ông François Mitterrand. Trong khi đó, ông François Mitterrand có một đứa con gái riêng đặt tên là Mazarine Pingeot (sinh năm 1974) với bà Anne Pingeot. Trong đám táng của François Mitterrand, chôn cất tại Jarnac, có sự hiện diện của bà Pingeot và con gái.

Dù không ở trong cung điện Élysée, chỉ vào văn phòng làm việc, nhưng bà cho trang trí lại nội thất bởi ba kiến trúc sư tân thời (Wilmotte, Starck và Garouste), đồng thời chính bà chỉ huy săn sóc ngôi vườn của cung điện.

Trên chính trường thế giới bà không ngần ngại có những tuyên bố và hành động cụ thể, cũng như những lời bình phẩm của bà về đường lối chính trị đối nội, đôi khi làm “rung chuyển” dư luận và truyền thông Pháp, thí dụ như cái hôn đón tiếp Fidel Castro năm 1995, tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma năm 1988.

Năm 1986 bà sáng lập tổ chức “France Libertés – Fondation Danielle Mitterand” thu góm cả ba tổ chức riêng rẽ khác đã được thành lập từ năm 1981. Qua tổ chức này bà giúp đỡ, cải tạo điều kiện tù đầy và can thiệp đề nghị phóng thích tù nhân trên một số nước trên thế giới. Kể từ năm 1988 bà là chủ tịch của hội đồng giải thưởng “Prix de la Mémoire” (Giải thưởng của Ký Ức)

Riêng cá nhân bà cũng nhận được các giải thưởng “Prix Nord-Sud” năm 1966, giải thưởng “Prix Lumière de la vérité” của Đức Đạt Lai Lạt Ma năm 1999, huân chương Grand Croix de l’Ordre de la Couronne của hoàng gia Hòa Lan năm 1991, huân chương Commandeur Grand Croix de l’Ordre de l’Étoile polaire của hoàng gia Thụy Điển năm 1984.

Chú thích:

1) Xin nói rõ ở đây là theo phong cách hộ tịch của Pháp thì khi kết hôn người phụ nữ Pháp giữ tên mình nhưng xưng danh theo họ của chồng. Trong giấy tờ hộ tịch cá nhân có ghi rõ thí dụ như bà „Yvonne Vendroux, épouse de Gaulle“, và trong khi giao tiếp người phụ nữ xưng họ của chồng, thí dụ như „Madame de Gaulle“, xã hội Pháp tôn trọng nghiêm túc phong cách hộ tịch này. Cho đến giờ, các đệ nhất phu nhân tổng thống Pháp đều là vợ chính thức, kết hôn có hôn thú.

Khác với phong cách Việt Nam thì vợ chồng tên ai người đó giữ. Các thế hệ trước thì có phong tục là người vợ nhận tên chồng, thí dụ như anh Tuấn, chị Tuấn. Cái tên con gái trở thành một cái tên „kỵ húy“, chỉ được sử dụng trong gia đình

2) http://www.rtl.fr/actualites/info/politique/article/sur-rtl-valerie-trierweiler-dit-bien-se-sentir-bien-a-l-elysee-7754932350 : Les débuts avaient été difficiles pour la première Dame de France avec notamment la fameuse “affaire du tweet”. Aujourd’hui, Valérie Trierweiler dit se sentir bien dans son rôle et se verrait bien rester à l’Elysée pour deux quinquennats.

3 ) trích Dấu xưa…Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn, chương “Vua Duy Tân và một kết cục bi thảm”, Mathilde Tuyết Trần, trang 204, nhà xuất bản Trẻ, tp HCM 2011.