Con mình có phải là con mình ?

Con mình có phải là con mình ? © Mathilde Tuyet Tran, France 2012

Trời bên ngoài nắng gắt dữ dội. Đầu hè cho đến cách đây vài hôm thì nhiệt độ chỉ loanh quanh ở 20°, mát mẻ, mưa nhiều, có khi mưa liên tiếp cả tuần, ngày nào cũng mưa, thế mà mới từ thứ năm, hôm nay thứ bảy, đột nhiên nắng nóng dữ dội. Trong nhà, chỉ mở hé cửa sổ ngăn nóng, mà đã hơn 29°. Ngoài nắng hàn thử biểu chỉ 47°. Trong bóng râm bên ngoài là  37°- 39°. Bữa trưa vợ chồng tôi ngồi ăn ngoài vườn, dưới bóng cây, cho có không khí đỡ ngộp, nào dè nắng hắt như lò lửa, làm tôi cũng bị say nắng luôn.

Sáng nay, trên đường trở về từ một thành phố khác, chúng tôi rẽ vào thăm một nghĩa địa quân sự, chôn cất những chiến sĩ tử trận 1914-1918. Chồng tôi đi tìm mộ người thân, nếu tìm thấy. Nghĩa trang nói lên nhiều điều về sự sống, cái chết và cũng nói lên tính chất nhân bản, văn hóa, trình độ tiến triển của xã hội. Sự chôn cất người chết cũng có cái giá kinh tế của nó. Tại Pháp, việc chôn cất và xây một cái mộ rất đơn giản chỉ bằng một tấm đá cẩm thạch và một tấm bia hiện nay là 10.000€, không kể tiền mua hay thuê đất ở nghĩa trang!

Người Pháp có điểm hay là họ rất tôn trọng người chết và mồ mả. Kiến trúc nghĩa trang, mồ mả cũng là một chứng tích văn hóa từ thời này sang thời khác, chứng tích của phong cách sống và chỗ đứng trong xã hội của người chết, của gia đình. Tuy họ không có tục lệ thờ cúng tổ tiên như người Việt, nhưng cách tưởng niệm của họ là thường xuyên thăm viếng mồ mả, giữ gìn sạch sẽ không có hoa cỏ dại, đem hoa tươi đến viếng. Người chết rồi thì mọi thù hằn đều chấm dứt, mọi chiến tuyến đều xóa bỏ, không phân biệt tôn giáo, trong nghĩa địa có thánh giá, mà cũng có bia mộ chữ Ả rập, ngôi sao 6 cánh của những người gốc Do Thái…mồ mả của những “kẻ thù” trước kia đều được chăm sóc, gìn giữ. Những hành động ngông cuồng của vài thành phần trẻ cực đoan, đập phá mồ mả đều bị nghiêm phạt.

Ở vùng này, nghĩa địa quân sự có rải rác nhiều nơi, của đủ mọi quốc gia, mọi sắc cờ. Tuần trước, nhân có ngày đẹp trời chúng tôi ra biển Bắc hóng gió biển. Trên đường đi ngang làng Noyelles-sur-Mer chúng tôi cũng rẽ vào thăm một nghĩa trang người Tàu chết trong trận đại chiến thứ nhất. Những người này thuộc quân đội đế quốc Anh, được đưa sang châu Âu từ năm 1917 để phục dịch chiến tranh, nhưng không được cầm súng. Đạo quân “phục dịch Trung Hoa” (corps des travailleurs chinois) còn được gọi là “les coolies” (cu li) bắt đầu từ con số 54.000 người lên đến 96.000 người trong 1917. Họ bị cấm không cho giao tiếp, kết hợp với người Pháp bản xứ. Trong số đó có 849 người nằm xuống ở nghĩa địa này. Ngoài việc tử trận, đa số chết vì những trận dịch tả, dịch lao phổi và dịch cúm. Nghĩa trang hiện nay vẫn được săn sóc bởi kinh phí của nước Anh, rất sạch sẽ, rất đẹp, nhiều hoa tươi, thảm cỏ xanh mướt.

Trong cuốn “Dấu xưa…tản mạn lịch sử nhà Nguyễn” tôi có viết một đoạn ngắn về nghĩa trang Đông Dương do tổng thống François Mitterrand khánh thành vào ngày 16.02.1993, chôn cất và tưởng niệm 34.935 chiến sĩ và dân thường của ba nước Việt, Miên, Lào đã tử nạn, hài cốt họ được di chuyển về đây.

Trong nghĩa trang hiện tôi đang đến thăm, điều làm tôi ngạc nhiên và xúc động là trong cùng một khuôn viên lại có ba khu vực rõ rệt, nói lên ba sự khác biệt của người sống và người chết. Bên phải là nghĩa địa quân sự, ở giữa là nghĩa địa dân sự, bên trái là nghĩa địa của người nghèo. Nghĩa địa quân sự thì như ở mọi nơi, các nấm mộ thẳng hàng như giăng chỉ, sạch sẽ, có trồng hoa, thánh giá hay bia mộ đều là mầu trắng, và lá cờ Pháp bay phất phới trong gió. Nghĩa địa dân sự thì mộ xây bằng đá cẩm thạch, đầy hoa đủ mầu sắc.

Cái đáng nói là nghĩa địa người nghèo. Trước kia, thành phố Paris gom góp người ăn xin đem ra khỏi thành phố, về tận đây, để nuôi họ một cách tập trung trong một lâu đài thời Phục hưng (Renaissance) đã bị tàn phá nhiều vì chiến tranh, vì những kẻ phá hoại ăn cắp nhiều vật quý giá. Bây giờ, lâu đài còn thuộc sự quản lý của thành phố Paris (Ville de Paris), trở thành một viện dưỡng lão, cũng cho những người già yếu, tàn tật, vô gia cư, không có thâu nhập…thuộc diện phải sống bằng trợ cấp xã hội. Họ sống trong một khung cảnh dường như lý tưởng, trong lâu đài (tường đá, trần cao, mùa đông thì rất lạnh), không gian yên tĩnh, thảm cỏ xanh, nhiều cây xanh, đi dạo thoải mái hay ngồi trên băng ghế ngắm trời mây. Nhưng đó là khung cảnh lý tưởng của một sự biệt lập, cô đơn. Nghĩa địa người nghèo đó, nơi chôn cất những người ăn xin, ăn mày của thành phố Paris, cũng là dành cho họ. Những cái hòm chỉ được chôn trong đất và lấp đất lên, không có hầm mộ xây, cũng không có phần mộ đá cẩm thạch. Cả không gian nghĩa địa người nghèo là một sự buồn thảm, với những nấm mồ bằng đất và những cây thánh giá cắm siêu vẹo, rác rưởi…không ai chăm sóc. Có được một nấm mồ, còn hơn không ! Ai cũng có ngày, hên thì được vào nằm trong nghĩa địa, trong bốn tấm ván, hay trong một cái hũ sành.

Tôi có đi lạc đề không ? xin thưa là không, vì ai cũng đã từng có một gia đình, dù hy sinh trẻ tuổi trên một trận tuyến, hay chết vật vờ cô đơn trên đường….nhưng con cháu họ ở đâu, gia đình họ ở đâu ?

Trong nghĩa trang dân sự chỉ có một người đàn ông và một người đàn bà đang tưới nước, bầy biện đầy hoa trên hai nấm mộ song song còn mới, một cái đã có mặt đá tảng cẩm thạch, một cái còn là một nắm đất. Họ loay hoay trước hai nấm mộ rất lâu. Chúng tôi đã đi từ nghĩa địa này sang nghĩa địa khác, họ vẫn đứng ở đó, tưới từng chậu hoa, xếp từng cái hoa cho ngay ngắn. Chồng tôi đến chào hỏi, hỏi thăm về các nghĩa địa, người đàn bà mau mắn trả lời, bà có vẻ biết rõ về thành phố này. Tôi đứng bên cạnh người đàn ông, khoảng 60, gầy ốm, hỏi thăm. Ông trả lời ngay, đó, đây là thằng nhỏ, 19 tuổi, treo cổ năm trước, còn đây là thằng lớn, 39 tuổi, mới treo cổ tháng rồi ! Tôi sững sờ. Ông bà chỉ có hai đứa con trai và một con gái. Tại sao ? Ông kể, thằng nhỏ treo cổ tự tử vì thất tình, thằng lớn cũng thế, vợ nó đem con bỏ đi, đòi ly dị. Người cha có vẻ nuốt cái đau một cách lặng lẽ. Người mẹ thì muốn nói cho vơi nỗi lòng. Bà nói với tôi, chúng ta là người xa lạ, chứ bình thường tôi sợ người ta chê cười, đâu có dám kể lể ai nghe, chỉ có trong vòng gia đình. Cha mẹ chết là việc hợp lý, người già đi trước, người trẻ đi sau, nhưng bà biết không, không có cái đau nào lớn hơn là cái đau cha mẹ mất con. Hai thằng con ngu ngốc, bây giờ nằm đây ! Tôi đã thấy trước khó khăn của chúng nó, nhưng không thể khuyên bảo được, đứa nào cũng viện lý đã lớn, đã trưởng thành biết mọi chuyện, hễ nói gì, chúng lại đổ tội là can thiệp vào hạnh phúc của chúng, nên đành phải im lặng và ngó theo. Thời chúng tôi, giống như ông bà, cái suy nghĩ về tiền, về chung sống, về hạnh phúc khác với thời nay nhiều. Vợ nó chỉ muốn tiền, nay đòi cái này, mai đòi cái kia…, nó cáng đáng không nổi, vợ nó có người khác, đòi ly dị, phải bán nhà, chia con, chia của… Nó tự ái, không hỏi sự giúp đỡ của chúng tôi. Thế là hết !

Cùng là một người mẹ, tôi rất thông cảm với bà. Người mẹ mang đứa con chín tháng mười ngày trong bụng, vượt cạn đẻ ra con, nuôi nấng chăm lo, con đau con ốm, rồi con lớn con khôn, chắt chiu cho con đi học, hy vọng chúng nên người thành đạt, có ích. Người cha cũng hãnh diện khi con ngoan, con giỏi…Thế mà, con mình có phải là con mình không ? Chẳng phải là ghen tuông, chỉ là đau đớn gậm nhấm, khi thấy con người khác thành công trong đường đời, vừa ngoan, vừa giỏi…Sự thất bại của con mình có phải là của mình không ? Cái bất hiếu của chúng có phải tại mình không ? Chiến tranh, xã hội đồi trụy, ma túy… cướp đi đứa con, có phải tại mình không lo cho Hòa bình, thay đổi xã hội… hay không ? Cha mẹ thường quy hết trách nhiệm, tội lỗi về phần mình.  Các cụ Khổng-Nho thì cứ day dứt cho rằng: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”!

Tôi muốn an ủi bà, nhưng không biết nói gì hơn, chỉ chúc ông bà thêm can đảm. Trên đường về, tôi nghĩ đến hai chữ Nhân quả của nhà Phật. Mỗi người mượn cửa nhà của những người có duyên nợ với mình để ra đời, nhưng mang theo cái nhân quả của chính bản thân mình. Những bài bản giáo dục khe khắt, phải uốn nắn, dạy bảo thế này thế nọ…cũng không vượt qua được cái nhân duyên tiền định. Người châu Âu trên lý thuyết thì cho rằng, quan hệ cha mẹ con cái tất cả đều do giáo dục gia đình, giáo dục của xã hội, nhưng họ cũng xuôi tay khi người trẻ “có vẻ” phát triển theo ý của cá nhân mình, chọn lựa một con đường đi riêng của chính mình mà gia đình chỉ có một phần nào, hay không có ảnh hưởng. Bà hàng xóm của tôi giơ hai tay than trời, than Chúa khi con bà ngồi trong xe hơi, đậu ở một góc khuất trên đồng ruộng, tự tử bằng khói ngạt của xe. Cấm không được, cản không được, điều hay lẽ phải cũng chỉ như nước đổ lá khoai. Làm cha mẹ là một trọng trách, khi người cha mẹ biết bổn phận và trách nhiệm của mình. Nhưng cũng nên hiểu rằng và chấp nhận rằng, đến một lúc nào đó, bổn phận phải giúp con vẫn còn, nước mắt luôn chảy xuôi, không mong nó chảy ngược, nhưng trách nhiệm của cha mẹ thì hết. Cho dù đứa con là ruột thịt máu mủ của mình, nhưng con mình đã trở thành một người trong một xã hội, đời một người chịu ảnh hưởng rất lớn của xã hội, của bạn bè, của môi trường sống và của nhân quả của mình. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng“. Chiến tranh thường cướp đi những mạng sống trẻ, có đền bù nào, huân chương nào đền bù nổi sự mất mát của người cha, người mẹ, người thân ?

Mỗi khi đọc báo về những thảm cảnh của người trẻ trong xã hội, những hành động Amok, tự tử, giết người, tai nạn… tôi đều nghĩ đến cha mẹ và gia đình của người ấy, họ chịu sự đau đớn, đã quá đủ, nhưng không phải chịu trách nhiệm. Hiện tượng tự tử hiện nay của người trẻ là một trách nhiệm của xã hội thời toàn cầu hóa, bị lung lạc nhiều bởi phim ảnh, trò chơi videos và sự tiêu thụ, ảo ảnh, mạnh thì sống, yếu thì chết, tất cả chỉ vì một chữ “tiền”, huênh hoang khoe của. Hạnh phúc thật to lớn cho những gia đình bình yên, con cái nên người tốt đẹp và hiếu thảo. Đó cũng là nhân duyên và phúc đức. MTT.