Chấm điểm khả tín là gì ?

Chấm điểm khả tín là gì?

Đã đăng trong tạp chí Hồn Việt ngày 13-03-2012

Mathilde Tuyết Trần (Pháp)

Bình thường dân chúng Pháp không hề biết “rating agency” là cái gì. Cuộc khủng hoảng nợ quốc gia tại Hy Lạp, Ý, Tây Ban Nha… và mới đây nhất, chỉ một tháng sau khi bị đe dọa rằng nước Pháp sẽ mất điểm “AAA”, Thủ tướng Pháp François Fillon đã vội vàng công bố một chương trình “thắt lưng buộc bụng” đè nặng lên dân chúng, để giữ điểm, tiếp tục gây xôn xao dư luận.

 

Vào đầu tháng 11/2011 công ty Standard & Poor’s (viết tắt: S&P) đe dọa nước Pháp sẽ bị giảm điểm khả tín, nhưng chỉ hai tiếng đồng hồ sau đó công ty này xin rút lại thông tin và xin lỗi vì “nhầm lẫn”, trong khi thị trường chứng khoán đã làm tụt điểm mua bán cho các chứng khoán của Pháp(1).

Nhiều tiếng kêu phải giảm bớt sự can thiệp vào nội bộ các quốc gia độc lập bởi các công ty chấm điểm khả tín nổi lên. Thậm chí, một chuyên gia tài chính của Đức, ông Ottmar Schneck, đòi hỏi phải chấm dứt sự chấm điểm của các công ty tư này đối với các quốc gia: “Sự chấm điểm các quốc gia, khi động đến vận mạng của các quốc gia đó, không thể giao phó cho một sự tình cờ của thị trường… Việc đánh bạc bởi các công ty chấm điểm tư phải được thay thế bởi một cơ quan công quyền quốc tế”.

Nhưng, ngày 13/1/2012 vừa qua, công ty Standard & Poor’s tuyên bố hạ điểm khả tín của nước Pháp từ AAA (khả tín hạng nhất) xuống chỉ còn “AA+ với khuynh hướng xấu”(2), đồng thời 8 quốc gia châu Âu khác cũng bị hạ điểm, khiến cho nhiều nhân vật quan trọng tại châu Âu phải lên tiếng đính chính, chống đối. Những người Pháp đòi hỏi nước Pháp phải có những biện pháp tích cực hơn, mạnh dạn hơn để chống lại ảnh hưởng của các “rating agency” của nước Mỹ.

Standard & Poor’s- cơ quan xếp hạng tín dụng lớn và uy tín
nhất thế giới

Nhiều sự kiện gây chao đảo chính trị và kinh tế có tầm mức ảnh hưởng thế giới xảy ra được loan tin hàng ngày trên mọi phương tiện truyền thông khiến cho người dân thường cũng phải đặt câu hỏi, rating agency là gì, là ai mà có một quyền lực vô biên và tối thượng như thế, một sức mạnh vượt mọi biên giới lãnh thổ và hơn tất cả các lực lượng quân đội trên thế giới, một sức mạnh chỉ qua một lời tuyên bố, một lời đe dọa mà có thể làm thay đổi một chính phủ (Hy Lạp, Ý), làm lung lay một nền kinh tế (Pháp, Đức), nhất là sự đe dọa kinh khủng ấy xuất phát từ phía bên kia bờ Đại Tây Dương.

Thế mạnh của các công ty chấm điểm

Trong thời đại của chúng ta, tiền là trên hết. Chưa có bao giờ mà đồng tiền lộ rõ sức mạnh như ngày hôm nay. Ai cũng phải cần có tiền để sống, khổ hay sướng đều tùy thuộc vào tiền. Có lẽ, ước mơ vật chất lớn nhất của người lao động hiện tại là có cái xe đi làm, có căn nhà để ở. Tình trạng ở thuê tại châu Âu là phổ biến nên ước mơ mua xe, mua nhà, vì thiếu vốn để dành, nên chỉ được thực hiện khi vay được nợ.

Ngân hàng lập hồ sơ đầy đủ, căn cước cá nhân, số tiền đã tiết kiệm, giấy chứng nhận lương bổng, giấy chứng nhận tài sản đã có, dự án vay nợ, xây nhà ở đâu, giá thành bao nhiêu, khả năng trả nợ mỗi tháng… và sau khi đã kiểm tra cá nhân về tiền án, danh sách sổ đen của hệ thống ngân hàng và bảo hiểm, phong cách chi tiêu hàng tháng, đã mắc nợ nhiều lần hay chưa và đã trả đều đặn hết nợ hay chưa… rồi họ mới “cho điểm” người xin vay nợ và chấp nhận cho mắc nợ.

Tương tự như thế, rating agency là những công ty tư nhân được thành lập để “cho điểm” các công ty và các quốc gia muốn “vay nợ” trên thị trường tài chính thế giới.

Sự hình thành các rating agency xuất phát do yêu cầu của những ngân hàng, công ty bảo hiểm và người (hay cơ quan) đầu tư để nghiên cứu và thẩm định mức độ “khả tín” của người (hay cơ quan) vay nợ, nói trắng ra là tiên đoán con nợ có trả được nợ hay không.

Lịch sử hình thành các rating agency xuất phát từ Mỹ vào thế kỷ 19. Năm 1868, Henry Varnum Poor bắt đầu đưa ra ý tưởng khảo nghiệm sự “khả tín” để bảo đảm sự “an toàn” của thị trường tài chính trong cuốn sách Manual of the Railroads of the United States cố vấn cho việc đầu tư vào việc phát triển công ty đường sắt Mỹ. Đến năm 1909, John Moody, người sáng lập công ty Moody’s, hệ thống hóa công việc “chấm điểm” các công ty phát hành trái phiếu để gọi vốn thị trường trong bối cảnh phát triển hệ thống đường sắt.

Đến năm 1975 khi cơ quan thanh tra thị trường chứng khoán Mỹ (U.S. Comptroller of the currency) ấn định rằng các công ty chỉ được tham dự vào thị trường chứng khoán sau khi có sự thẩm định khả tín của ít nhất hai trong ba rating agency được công nhận là Standard & Poor’s (liên hợp với công ty Standard Statistics Company năm 1941), Moody’s (thành lập năm 1909) và Fitch Ratings (thành lập năm 1924 bởi John Fitch, Fitch Publishing Company) thì sự kiện này đã làm cho ba công ty rating agency có một quyền lực không ai có thể vượt qua nổi, và cho đến giờ một lời phát biểu của họ có thể làm rung chuyển thị trường tài chính thế giới, lật đổ một chính phủ, chấm dứt con đường chính trị của một nhân vật, làm chao đảo luật lệ… như trường hợp Hy Lạp, Ý, Pháp… như thể các quyền tự trị, độc lập, dân chủ, tự do của các nước không còn ý nghĩa gì cả, như thể các công ty tư rating agency làm chủ một cuộc chiến rất lợi hại mà không cần đến vũ khí.

Tại châu Âu, nhiều dự án thành lập các cơ quan “chấm điểm” theo mô hình rating agency đã được tiến hành, thăm dò nhưng không có kết quả cụ thể, vì công việc “chấm điểm” con nợ được thực hiện bởi một bộ phận đặc biệt nằm trong cơ cấu tổ chức của chính các ngân hàng riêng rẽ.

Bộ phận này gồm có những chuyên gia về kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô, kinh tế chính trị và tài chính ngân hàng. Tuy thế, nếu các chuyên gia ngân hàng “chấm điểm” quá chặt chẽ, khe khắt trong tư thế “thủ” vì sợ lỗ lã mất mát, thì cũng gây ra thiệt hại, vì đồng tiền nằm im, không xoay là đồng tiền chết.

Cũng thể theo yêu cầu của thị trường, các nhà đầu tư, các hãng bảo hiểm, các ngân hàng trên thế giới dần dần đi theo thể thức là phải có thẩm định ngoại, gọi là một thẩm định khách quan hơn, so với sự thẩm định của chính công ty mình.
Trên bình diện kinh tế công ty, bộ phận chủ công ty có trách nhiệm với nhiều phía: phía cung cấp nguyên vật liệu và sản phẩm phụ tùng, sản phẩm giao công, phía thị trường tiêu thụ, khách hàng của mình, phía công nhân viên, phía chủ nợ, thành phần đầu tư, rồi đến cơ quan công quyền, chính phủ và các liên hệ khác.

Khi một công ty phá sản, tùy theo cỡ lớn cỡ nhỏ, các hậu quả gây ra rất lớn. Đó là lý do hàng đầu, nhưng cũng có một lý do không kém phần quan trọng khiến cho người đầu tư, cho vay tiền phải rất cẩn thận đó là sự lừa đảo, lường gạt của những thành phần gian manh xảo quyệt.

Đứng về phía người đầu tư, ngân hàng… thì những trường hợp phá sản của con nợ sẽ gây mất vốn, mất lời, và nếu số nợ bị thất thoát quá to lớn thì có thể gây nguy hiểm tới sinh mạng của chính mình. Vì thế, họ cần một sự thẩm định khả tín chi tiết về con nợ, để theo đó mà quyết định, có đầu tư hay không, có cho vay nợ hay không, với những điều kiện nào, ấn định mức lời, mức phạt, và luôn cả mức độ nguy hiểm, rủi ro sẽ bị mất nợ.

Các rating agency dựa vào đâu để chấm điểm?

Các chuyên gia thẩm định khả tín dựa trên những tài liệu, thông tin thu thập hàng ngày để tổng hợp, phân tích, đúc kết và công bố kết quả điểm. Các thông tin căn bản là các báo cáo tổng kết cuối năm, tổng kết chi/thu, tổng kết lời/lỗ tình trạng các trương mục ngân hàng, giá trị trên sàn chứng khoán, mức độ vốn gốc, mức độ khả tín đang có, các dự định/phương án sản xuất, mức độ phát triển trong lĩnh vực ngành nghề, tương lai phát triển của ngành nghề, tổng số nợ, tỷ lệ nợ, mức độ bảo đảm vỡ nợ, vị trí trên thị trường, khả năng quản lý, khả năng kế toán, tình trạng pháp lý của công ty, hay tỷ lệ thất nghiệp, chi thu của công quỹ, nguồn lợi thâu thuế, cán cân xuất nhập, mức độ và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, mức độ lạm phát, mức độ nợ quốc gia…, nói chung là tất cả những dữ liệu kinh tế. Họ làm việc theo phương pháp khoa học, sử dụng các phương pháp toán thống kê, xác suất kinh tế làm công cụ tiên đoán, chấm điểm.

Sơ đồ đánh giá mức độ khả tín từ AAA đến D

Các công ty chấm điểm đều là những công ty hoạt động theo lợi nhuận, nên họ hành động khi có yêu cầu, tức là có hợp đồng, hoặc từ phía cho mượn tiền, hoặc từ phía phải mượn tiền. Thông thường, có hai chuyên viên chấm điểm, một già một trẻ, và hai bản báo cáo này sẽ được thông qua bởi một hội đồng chấm điểm trước khi công bố kết quả cho phía có “yêu cầu” được biết, và sau khi được sự ưng thuận của phía yêu cầu, thì kết quả chấm điểm được công bố.

Công ty Standard & Poor’s, thuộc nhóm The McGraw-Hill Companies (New York, Mỹ) có 21.000 nhân viên trên thế giới, có kết quả trong năm 2010 là 2,9 tỉ USD (tương đương 2 tỉ euro). Công ty Moody có 4.500 nhân viên, Moodys Corporation và Berkshire Hathaway Inc. (của Warren Buffett) có kết quả trong năm 2010 là 2 tỉ USD (tương đương 1,4 tỉ euro)(3). Công ty Fitch Ratings, thuộc nhóm Fimalac S.A, công bố kết quả năm 2009-2010 lên đến 657,2 triệu USD (tăng 7,8% so với năm 2008-2009)(4).

Thế yếu của các quốc gia bị chấm điểm

Trong năm nay, ông Horst Seehofer, đương kim Chủ tịch đảng CSU tại Đức, có một câu phát biểu đặc biệt đáng chú ý: “Markt pur ist Wirtschaft pervers. Markt pur ist der pure Wahnsinn” (Thị trường thuần túy là kinh tế đồi trụy. Thị trường thuần túy là sự điên loạn thuần túy) nói lên một sự lo lắng to lớn về tình hình phát triển và kết quả hiện tại của cái gọi là kinh tế thị trường theo chủ thuyết “Tân tự do” (Néolibérale). Sự can thiệp, điều chỉnh của chính quyền vào nền kinh tế của chính quốc gia mình bị hạn chế nhiều từ thập niên 80, từ hơn 30 năm nay, khi các chính quyền châu Âu bắt đầu thực hiện chính sách “tư hữu hóa” để tự giảm bớt quyền lực điều chỉnh của chính mình, nhường chỗ cho “thị trường” điều khiển nền kinh tế quốc dân.

Một thí dụ, trước khi đi vào chương trình thực hiện tư hữu hóa, một cơ quan chính quyền Đức của một thành phố lớn khoảng 1 triệu dân cư có gần 30 ngàn nhân viên phục vụ gồm có ba thành phần công chức, nhân viên và thợ thuyền. Công chức là thành phần nòng cốt, gồm những người được gọi là “công bộc” của dân, được đào tạo ngay tại chỗ bởi hệ thống đào tạo riêng của cơ quan chính quyền, họ leo nấc thang danh vọng từ bậc thấp nhất, từ dưới lên trên và được hưởng nhiều ưu đãi về mức lương, mức thuế, bảo hiểm bệnh tật, lương hưu trí…, nhất là khi được vào quy chế “công chức vĩnh viễn” thì họ không cần phải lo lắng gì cho đời sống bản thân nữa.

Tuy thế, để hỗ trợ chất xám cho công việc của tầng lớp công chức cao cấp và thượng tầng quyết định của thị trưởng, một số trí thức đại học nhiều ngành nghề được thu nhận vào cơ quan chính quyền. Tầng lớp này quản lý công chức, nhân viên và thợ thuyền cấp dưới. Sau khi thực hiện chính sách tư hữu hóa, bởi các biện pháp như sa thải, không thay thế người hưu trí, hủy bỏ dịch vụ và giao cho tư nhân khai thác… thì cơ quan chính quyền ấy chỉ còn lại có 1/3 số lượng nhân viên trước đó.

Thí dụ như công việc hốt rác trước đây do một bộ phận trong cơ quan chính quyền đảm nhiệm, dân chúng trả tiền hốt rác vào công quỹ, thì nay chính quyền hủy bỏ dịch vụ đó và giao cho tư nhân khai thác. Sự kiện này kéo theo hai việc tiêu cực trên thực tế, hoàn toàn đi ngược lại sự hứa hẹn trên bình diện chính trị của nhà cầm quyền: giá hốt rác, trả cho công ty tư nhân, tăng lên hàng năm, khả năng hối lộ tham nhũng cũng lớn theo, và, con số người mất việc, thất nghiệp trên cả hai thị trường nhân lực công và tư cũng tăng theo. Các công ty tư áp dụng chính sách “L’intensification du travail” (tăng cường độ, mức độ lao động) để giảm bớt số lượng nhân viên, một người được thu nhận phải làm việc nhiều hơn trước.

Sự kiện thất nghiệp gia tăng vừa làm tăng yêu cầu trợ cấp xã hội vừa làm giảm sức tiêu thụ của dân chúng, nhất là của thành phần bị thất nghiệp và người hưu trí, nhưng các chính phủ như Pháp, Đức lúng túng giữa hai giải pháp, hoặc thu thêm thuế (nhà giàu bất mãn), hoặc giảm chi tiêu công quỹ (nhà nghèo bất mãn), nên không đạt được một kết quả cụ thể rõ ràng, có lợi cho nền kinh tế quốc dân.

Một khi các quốc gia bị hạ điểm khả tín, thì khi vay tiền, các quốc gia này phải trả một tỷ lệ tiền lời cao hơn, cộng thêm một phí tổn “rủi ro” (nếu không trả được nợ) cao hơn, đồng thời các chứng khoán quốc gia cũng bị hạ điểm, không “bán” được, kéo theo sự giảm điểm của các công ty tư nội địa, làm cho nền kinh tế quốc dân thêm suy yếu(5).

Hơn 10.000 người biểu tình tại Berlin và Frankfurt vào ngày 12/11/2011 đòi phải triệt hạ các thế lực ngân hàng và tài chính, thực hiện tái phân phối sự giàu có chung của cả xã hội tạo nên(6). Đến khi nào thì quyền lực vô biên giới của ba công ty chấm điểm khả tín Standard & Poor’s, Moody và Fitch Ratings có khả năng xâm phạm đến chủ quyền, độc lập và nền kinh tế quốc dân của các quốc gia trên thế giới bị chấm điểm, sẽ bị giảm bớt ảnh hưởng?


(1) Thông tin của tạp chí Der Spiegel ngày 11/11/2011
(2) Thông tin của tạp chí Der Spiegel ngày 13/1/2012
(3) Trang trên mạng của đảng PS, Pháp  tại Berlin – http://berlin.ffe-ps.org/agences-de-notations-au-pilori/
(4) Thông tin của fitchratings.com
(5)
Cũng ngày 13/1/2012, ba ngân hàng Việt Nam BIDV (Bank for Investment and Development of Viet Nam), Vietcombank (Joint Stock Commercial Bank for Foreign Trade of Viet Nam) và Techcombank (Viet Nam Technical and Commercial JS Bank) bị giảm điểm từ BB- xuống còn B+ (hạng chót của thang điểm B, có nghĩa là mức độ rủi ro sẽ bị mất nợ cao).
(6) Thông tin của tạp chí Der Spiegel ngày 12/11/2011