Nước hoa

Nước hoa

©Mathilde Tuyet Tran, France 2010

Có lẽ chỉ có một mình tôi hiểu lầm ý của tác giả Patrick Süskind với cuốn tiểu thuyết Das Parfum, nguyên tác viết bằng tiếng Đức, nổi tiếng khắp thế giới. Cả một cốt truyện ly kỳ, gay cấn, rùng rợn…với một kết cục cực kỳ tàn nhẫn, bạo lực, làm cho tôi khi gấp cuốn sách lại, trăn trở không ngủ được. Có lẽ ông xây dựng một câu chuyện như thế chỉ để nói rằng, không có mùi nào thơm bằng…mùi người. Cứ tắm rửa sạch sẽ với một loại xà bông bình thường, hai ba tiếng sau, mùi tự nhiên của mỗi người sẽ thoát ra, mùi tóc, mùi da…và sau khi làm lụng thì thân thể toát ra một mùi mồ hôi khác nhau tùy theo vùng thân thể từ đầu đến chân…Các cụ thời xưa đã chẳng nói, hữu xạ tự nhiên hương ?

Phụ nữ Việt Nam đã biết sử dụng hương thơm trong việc giữ gìn nhan sắc, mê hoặc quý ông từ lâu. Gội tóc bằng nước lá chanh bồ kếp, vừa bóng tóc vừa thơm, chải tóc với dầu dừa, chà xát móng tay, móng chân bằng vỏ chanh, xông thuốc bắc, đánh gừng giã, nằm than khi đau ốm hay khi sinh đẻ, đánh răng bằng một miếng vỏ cau cho bóng, nhai một miếng trầu cau cho môi đỏ như son, uống trà thảo dược cho hơi thở sạch, có mùi ngọt ngọt, tắm nước nóng có ngâm một bó lá thơm hay cánh hoa hồng, đốt hương trầm trong phòng ngủ…những cách làm đẹp ấy, tôi đã thấy má tôi sử dụng, bà có một làn da trắng nuốt và mềm mại, mái tóc dài đen nhánh, không khi nào bà có mùi hôi.

Tác dụng chữa bệnh của hương thơm (Aromathérapie) cũng được nhiều dân tộc biết đến từ lâu. Các cách ướp xác của người xưa cũng sử dụng hương thơm thiên nhiên là dược liệu. Trong một lễ tẩm liệm ở Việt Nam tôi thấy người qua đời được đặt lên trên một lớp trà đen thơm khá dày trải trong quan tài. Nhang thơm không thể thiếu trong truyền thống thờ cúng trong gia đình hay trong đền, chùa của người Việt.

Có lẽ cũng có một mình tôi hiểu lầm cho rằng, việc sử dụng nước hoa, không phải là để quyến rũ quý ông, mà chính ra thường là để cho người khác đừng đến gần mình. Nước hoa như một cái áo vô hình khoác thêm lên người. Nước hoa tỏa mùi thơm ra dấu hiệu tôi là một cánh hoa, đừng hái, đừng chạm vào. Thực tế cũng chứng minh như thế, những người „thơm“ nồng nặc mùi nước hoa, gây nhức đầu cho người khác, gây cảm giác khó chịu, không phải ai cũng thích mùi mình thích. Rồi, mùi nước hoa, trộn lẫn với mùi mồ hôi, nhất là khi trời nắng gắt, thành một thứ mùi hỗn tạp, càng khó tả, khó chịu hơn. Trẻ sơ sinh khóc bù lu bù loa khi mẹ chúng xịt nhiều nước hoa lên người quá, át cả mùi mẹ nó, mà nó tìm, nó thích.

Nước hoa là một món quà tặng sang trọng. Những cô dâu đắn đo cho ngày lên xe hoa và đêm tân hôn, mình „xài“ nước hoa nào. Những khi hò hẹn với người yêu, mùi nước hoa cũng là một vũ khí chiến lược của cô gái, gây ấn tượng thế nào để cho „người ấy“ nhớ mình hoài. Những người không „ngửi“ được nhau, sẽ xa nhau. (On ne peut pas se sentir! ). Có một thời, tôi rất mê nước hoa, tôi mải mê tìm kiếm, từ một mùi hoa thiên nhiên, hoa hồng, hoa lài, hoa serenga…mùi nước hoa đó trên thị trường nước hoa, có mùi nào thích là phải nhịn ăn mua cho bằng được, kể cả khi phải đặt ở Canada một lọ nước hoa mùi hoa tuyết, nhưng dùng rất có giới hạn, tùy hoàn cảnh, tùy thời tiết, tùy theo ngày hay đêm, bây giờ còn thêm một yếu tố nữa, tùy theo tuổi. Càng lớn tuổi nên càng trở lại dùng những mùi nước hoa cổ điển hay giản dị, không nên dùng những hỗn hợp mùi thơm chỉ thích hợp cho tuổi trẻ.

Mỗi loại nước hoa đều có một mùi hoa là chính. Bị quyến rũ bởi những tấm hình quảng cáo của những cánh đồng trồng lavande tím ngát tận chân trời, tôi đi tận xuống Grasse, thành phố nổi tiếng về trồng hoa và sản xuất nước hoa trên đất Pháp, để xem tận mắt. Nhưng sau đó thì tôi thất vọng, Grasse có hẳn một ngành nghề câu du khách, bán các loại nước hoa gọi là „thô“, không dính dáng gì đến công việc sản xuất nước hoa của những hiệu nổi tiếng trên thế giới.

Hương hoa được sử dụng qua nhiều hình thức và trên khắp nơi trên thế giới từ rất lâu. Thoạt đầu, được sử dụng bởi tầng lớp quyền quý, trong các lễ nghi tôn giáo để làm tăng thêm nét trang nghiêm, nét thần linh. Trong thời đại mà sự tôn vinh sắc đẹp, tôn vinh thân xác phụ nữ chưa được xã hội Âu châu cho phép hay được chấp nhận rộng rãi, chỉ có hoàng hậu, công chúa, con nhà quyền quý mới có quyền „đẹp“ và „thơm“. Các tranh vẽ từ thời Trung cổ cho thấy có những phụ nữ quyền quý quyến rũ các đấng mày râu bằng những bộ áo đầm hở ngực khá sâu, khá rộng, eo thắt ong, làn da mịn màng trắng mươn mướt. Tranh không tỏa hương, nhưng có lẽ các bà phải thơm lắm.

Sự phát triển của tầng lớp trưởng giả và các tầng lớp trung lưu xã hội sau đó, cho phép nước hoa được phát triển, người ta dám mua, và dám xức nước hoa lên người. Bởi thế, trong thế kỷ thứ 17, khi các thương thuyền Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Anh khám phá những nguyên liệu có mùi thơm tại các nước châu Á, châu Phi, châu Mỹ La tinh, những „mỏ vàng“ có màu xanh, thì họ hăm hở khai thác cho được, để đem về bán tại Âu châu. Các loại gỗ thơm, các loại hoa quý, các kết tinh nhựa cây…trong những khu rừng rậm trên đất Việt Nam là những kho tàng thiên nhiên vô giá.

Tôi viết trong cuốn „Dấu xưa…Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn“ (xuất bản năm 2010) có những đoạn như sau:

Sản phẩm của nước Cochinchine và các nơi khác tùy thuộc vào của Hoàng tử (chỉ Nguyễn Phúc Cảnh):

Vàng, tiêu, quế, đường, tơ lụa thô, tơ lụa chế biến, bông vải/vải, thuốc nhuộm xanh, sắt, trà, nghệ, sáp ong, ngà voi, mủ cao su, hàng sơn mài, dầu cây lô hội, gỗ muồng, gỗ vang (tô mộc), tinh dầu gỗ, gỗ làm giấy, gỗ cau, các loại gỗ quý…, sợi dứa, các loại gỗ dùng trong xây dựng nhà cửa, nhựa hắc ín và… nói chung, tất cả những gì cần thiết cho đời sống.

Dân Việt sống no đủ vì họ trồng khoai, trồng lúa, các loại trái cây như chanh, cam, dừa, xoài, thơm (dứa), trà, đường mía, trầu cau…trong rừng có đủ mọi gỗ quý, đến nỗi người Pháp há hốc miệng trước tài sản thiên nhiên, chăn nuôi, trồng trọt:

„ …On ne connait ici ni moutons ni ânes; mais les forêts sont pleines de tigres, d‘éléphants, de rhinocéros, d‘ours, de cerfs, d‘antilopes, de gazeles musquées et de singes, et les campagnes sont couvertes de boeufs, de buffles, de pourceaux, de volaille.“ (Nguyên bản tiếng Pháp, 1845)

„ Ở đây không có cừu và lừa; nhưng trong rừng thì đầy đặc những cọp, voi, sừng, gấu, nai, sơn dương, linh dương xạ hương, khỉ, và nhà quê thì đầy kín những bò, trâu, heo sữa và gà vịt. „

Thêm nữa, song song với danh sách các sản phẩm của Bá Đa Lộc, các nhà buôn báo cáo một danh sách dài đằng đẵng các sản phẩm thương mại của Cochinchine với một khối lượng lớn, một chất lượng rất tốt, kể cả cung ứng các nhu cầu xa xí phẩm của Âu châu: vàng ròng, bạc thỏi, gạo, rau cỏ tươi, ngà voi, cánh kiến trắng, xạ hương, đá quí, đặc biệt là các loại ngọc rubis, topazes, ngọc trai, mủ cao su, trâu, tơ lụa, muối, tre, cam thảo, đường mía, bí đao, các loại đậu, bắp, tất cả trái cây có ở Ấn Độ và Trung Quốc, bông vải (coton), thuốc lá, lá trầu, quả cau, hải yến, các loại cá biển, cá sông, hải sản, các loại gỗ quí dùng để đóng thuyền, gỗ trầm hương, gia vị như đinh hương, quế, tiêu, dừa khô … khoáng sản thì có sắt, đồng, chì, vàng, kẽm, bạc…

Nếu Việt Nam đối với họ không phải là thiên đàng địa giới, rừng vàng biển bạc, thì ở đâu là thiên đàng ?

Vào thế kỷ thứ 8, tại Âu châu, nước Ý chế tạo chất cồn (alcool), dần dần „nước thơm“ được chưng cất từ hoa cỏ, rồi pha lẫn với cồn để bảo quản. Theo sách viết thì cách làm có vẻ đơn giản, cánh hoa được ngâm trong nước mưa trong bình đậy kín, sau một thời gian ngâm ngắn, nước ngâm hoa có mầu, cánh hoa nhợt nhạt, héo rữa, thì nước ngâm được nấu trong bình chưng cất để tạo thành nước hoa. Chất nước hoa đó được pha chế với cồn. Thông dụng nhất là nước hoa hồng „Eau de Rose“.

Phải chờ đến thế kỷ thứ 19, ba nhà sản xuất nước hoa xưa nhất nước Pháp là Houbigant, Guerlain và L.T.Piver, mới sản xuất nước hoa một cách công nghệ. Nhưng những người chế tạo nước hoa của ba nhà sản xuất này, còn chỉ muốn sử dụng hoàn toàn hương liệu thiên nhiên. Các nguyên liệu được sử dụng nhiều nhất là hoa hồng, hoa lài, hoa huệ, hoa lavande, trầm hương, các loại gỗ thơm, cây cỏ thơm (romarin, sauge, thym), các loại rêu thực vật như rêu cây sồi…, và cả hương liệu của cơ quan nội tạng thú vật (musc, civette, ambre, castoreum).

Các chất hương liệu thiên nhiên được phân loại theo thứ hạng trong thiên nhiên: nụ hoa, cánh hoa, rễ cây (vétiver, gingembre), vỏ cây (cannelle), gỗ (bouleau, santal, cèdre…), lá cây (violette, géranium, verveine, patchouli…), lá thơm (armoise, menthe, basilic, estragon, rosmarin), quả và vỏ trái cây (vanille, citron, orange, piment, genièvre), hạt đậu (poivre, coriandre, fève tonka, cardamome…), tinh nhựa cây (encens, galbanum, labdanum).

François Coty là người đầu tiên chế tạo các hỗn hợp vừa nguyên liệu thiên nhiên vừa hóa chất. Hỗn hợp này cho phép chế tạo thêm nhiều sản phẩm như sà bông, kem đánh răng, kem bôi mặt, các hương liệu sử dụng trong thực phẩm, kẹo thơm, thuốc lá thơm, phấn thơm, rượu thơm, nhưng nhất là giảm giá bán để tăng số lượng sản xuất và tiêu thụ.

Ngay sau đệ nhất thế chiến 1914-1918, thời hậu chiến tại Pháp được gọi là những năm điên cuồng (les années folles) vì con người khát sống, thèm sống, ham sống. Những mùi nước hoa danh tiếng được chế tạo: Chanel N°5 (1921), Amour Amour (Patou, 1925), Shalimar (Guerlain, 1925) Arpège (Lanvin, 1927), Joy (Patou, 1929). Một số nước hoa được chế biến theo đơn đặt hàng của những nhân vật tăm tiếng trong xã hội. Kỹ nghệ nước hoa của Pháp trở thành một ngành công nghiệp quan trọng. Hiện nay, chỉ riêng thị trường nước hoa và mỹ phẩm nội địa Pháp, không kể xuất cảng, đã nêu một con số thu hoạch là khoảng 7 tỷ euros (thống kê 2009/2010)

Có nhiều phương cách lấy tinh dầu hoa tùy theo loại hoa, phổ biến nhất là hai phương cách lấy tinh dầu hoa hoặc nóng hoặc lạnh. Phương pháp „nóng“ là phương pháp chưng cất cổ điển bằng hơi nước rồi cho đọng lại, sau đó là giai đoạn tách tinh dầu. Phương pháp „lạnh“ được xem là tốt nhất, cánh hoa, nụ hoa được rải lên mỡ động vật, cánh hoa và nụ hoa được thay đổi mỗi ngày, sau khoảng một tháng lớp mỡ sẽ hút tinh dầu hoa, rồi sau đó lớp mỡ động vật sẽ được tẩy bằng cồn, khi chất cồn này bay hơi, sẽ còn lại tinh dầu thô, tẩy thêm một lần nữa, sẽ được tinh dầu hoa nguyên chất. Hiện nay để giám giá thành sản xuất, kỹ nghệ nước hoa sử dụng các nguyên liệu như hơi dầu hỏa (éther de pétrole, l’hexane hay benzène), hay khí ép, để lấy tinh dầu thơm. Các mùi của cơ quan nội tạng thú vật được lấy ra bằng một cách đơn giản là ngâm cồn.

Tại Pháp người ta chia ra 7 „gia đình“ nước hoa chính dựa trên tính chất đặc biệt của nó đối với thích giác của con người, rồi từ 7 gia đình tỏa ra thêm 26 nhánh chính, tiếp theo sau là nhiều khuynh hướng nước hoa khác biệt. Khi sáng tác một nước hoa, người được gọi là „cái mũi“ (le Nez), ấn định trước một khung cảnh cho nước hoa, có nghĩa là nước hoa đang được sáng tạo muốn thể hiện điều gì, chẳng hạn một cảnh đồng quê, một thư viện, một cuộc đua ngựa, một mối tình lãng mạn, một người phụ nữ tuyệt đẹp….Nhân vật chính trong tiểu thuyết Das Parfum cũng là một „cái mũi“.

Bảy gia đình nước hoa là „Chyprés“, „Fougères“, „Cuirs“, „Hespéridés“, „Orientaux“ hay „Ambrés“, „Boisés“, „Floraux“.

Gia đình „Chyprés“ có mùi hoa lài và gỗ, hai gia đình „Fougères“, „Cuirs“ có mùi mật ong, thuốc lá, da thú, gỗ…thường dành cho quý ông, gia đình „Hespéridés“ có mùi chanh, cam, tươi mát, gia đình „Orientaux“ hay „Ambrés“ có mùi vanille, mùi nội tạng súc vật, gia đình „Boisés“ thơm mùi gỗ, mùi trầm hương, còn gia đình „Floraux“ thì tất nhiên là mùi các loại hoa.

Trong ngôn ngữ bán hàng, để bán được hàng nhiều nhân viên còn bịa đặt thêm nhiều cách nói để lòe khách thí dụ như mùi hương hoa trắng (les fleurs blanches) hay mùi phấn (senteur poudré…). Tên của nước hoa cũng được đặt cố tình mang tính chất „quá khích“ để gây chú ý, thí dụ như Égoïste, Le Mâle, Ultraviolet, The One, Eau Sauvage Extreme…  Một số phụ nữ thích dùng nước hoa đàn ông để gây „ngạc nhiên“. Nhưng đàn ông có nam tính mạnh ít sử dụng nước hoa,  hoặc chỉ sử dụng mùi thoáng nhẹ của loại Après-Rasage (After-Shave), sau khi cạo râu. Đàn ông thiên về nữ tính thì thơm phức từ đầu đến chân, không còn mùi người nữa.

Hiện nay một loạt các mùi nước hoa mới theo hai khuynh hướng: có thêm mùi trái cây (đào, mận, vải, táo…), mùi thực phẩm như chocolat, mùi kẹo, và nước hoa không có giới tính (unisex, androgene) được bán đầy rẫy trên thị trường. Để giảm giá bán, đẩy mạnh tiêu thụ hơn nữa, các nhà sản xuất thay thế ngày càng nhiều nguyên liệu thiên nhiên bằng chất hóa học. Các hỗn hợp này, mới thoáng thì rất thơm, nhưng mùi thơm mau bay mất, không còn để lại dấu vết gì, hay biến đổi thành một mùi khác trên da thịt.

Mỗi hợp chất của nước hoa có ba tính chất căn bản: mùi thoảng, mùi chính và mùi đọng lại. Tôi gọi là mùi thoảng vì mùi này xông lên mũi ngay lập tức, gây ấn tượng, tạo cảm giác yêu thích, nhưng mau mất đi. Mùi chính là mùi toát ra sau đó và thơm lâu. Mùi đọng lại trên da là mùi ngửi thấy trên da thịt khi hương thơm thoảng và hương thơm chính đã bay đi. Mùi đọng lại trên da quan trọng lắm, vì chỉ có người gần mình nhất mới ngửi thấy, thường là vợ, chồng, tình nhân, mẹ con…và cũng vì nó đã hòa với mùi của thân thể mình, thành một một rất đặc biệt riêng tư. Những người thương nhau thường „nhớ“ mùi hương này.

Tôi xin đưa một thí dụ về nước hoa Chanel N°5, được sáng tạo bởi Ernest Beaux năm 1921 với 31 hương liệu khác nhau (một số tạp chí đưa ra con số 80, thậm chí 250, nhưng không kiểm chứng được) như sau:

Mùi thoáng của Chanel N°5 được xếp loại „tươi mát“ với một chút „khói“ nhẹ tỏa ra ngay tức khắc như mùi của hoa hồng và vỏ cam, đi kèm bởi ba tinh dầu Bergamot, Linalo, Petitgrain.

Mùi chính của Chanel N°5 là mùi của một bó hoa, chủ yếu là hoa lài, hoa hồng, hoa chuông, đi kèm với tinh dầu của  hoa Iris và Ylang Ylang, và hương thơm của Jonone (Iralia), Veilchen. Để bó hoa có thêm tính chất riêng biệt, Chanel N°5 chứa đựng thêm mùi Cassia, tinh dầu Isoeugenol và đặc biệt, một mùi dành cho quý ông, Vetiver.

Mùi đọng lại của Chanel n°5 là một hỗn hợp của các hương liệu „ấm“ như gỗ trầm hương (Bois de Santal), Patchouli, Vanille, Coumarin, Storax, Moschus, Zibet, Eichenmoos và quế hương.

Sở dĩ nước hoa mang tên Chanel N°5 là vì sáng tạo này mang số hồ sơ 5 trong các hồ sơ đệ trình lên bà Coco Chanel.  Lọ thủy tinh đựng nước hoa Chanel N°5 hiện nay được sáng tạo bởi Jean Helleau năm 1924, và từ đó đến giờ không thay đổi.

Phải kể thêm, khi xưa không có trường dạy làm „cái mũi“, những nhân vật sáng tạo nước hoa nổi tiếng giữ những hỗn hợp sáng tác của mình là bí mật tuyệt đối. Bây giờ, với những kỹ thuật công nghệ hiện tại, người ta „giải mã“ được mọi hỗn hợp mùi thơm. Hiện nay chỉ có những công ty hóa chất, dược phẩm (gọi là les laboratoires) có lớp dạy sáng tạo nước hoa. Viện ISIPCA đào tạo những „cái mũi“ thời hiện đại để làm trong kỹ nghệ mùi thơm. Tuy thế, một số người đang nổi tiếng đều do tự học (autodidactes) và họ tự xem họ là „nghệ sĩ“, không phải nhân công kỹ nghệ.

Khi chọn nước hoa, nên để ý tính chất chính của nước hoa, thơm nồng, thơm nhẹ, thơm hoa…và thời gian sử dụng nước hoa (ngày, đêm, mùa hè, mùa đông…). Người không biết cách sử dụng nước hoa gây khó chịu cho người bị ngửi mùi ấy hơn là gây cảm tình.

Hàm lượng của chất thơm trong các loại nước hoa được ấn định như sau:

Eaux légères: thơm nhẹ, chứa 4% hương liệu

Eaux de Cologne: thơm thoang thoảng, chứa 7% hương liệu

Eaux de toilette: thông dụng nhất, chứa trung bình từ 7% đến 9% hương liệu

Eaux de Parfum: thơm lâu, chứa trung bình 12% hương liệu

Parfum: thơm nồng và lâu, chứa khoảng 18% hương liệu

Extrait de Parfum: thơm rất lâu, chứa từ 20% đến 40% hương liệu

Tuy nhiên, tùy theo thị trường tiêu thụ mà các nhà sản xuất nước hoa gia, giảm nồng độ hương liệu của sản phẩm. Và cũng tùy theo mùa, mùa hè người ta thích nước hoa có nồng độ nhẹ, mùa đông thì người tiêu thụ thích mùi nước hoa nồng nàn hơn.

Chỉ riêng với nồng độ Parfum 18% nước hoa thơm nồng và thơm suốt ngày. Nếu lỡ sau vài tiếng đồng hồ chịu không nổi mùi thơm nữa thì chỉ còn có cách đi tắm kỹ lưỡng, vì khi tắm xong, vẫn còn ngửi thấy mùi thơm đó còn thơm trên da thịt.

Đi kèm với việc sản xuất nước hoa, để làm tăng giá trị thêm cho nước hoa, các lọ đựng nước hoa được chế tạo bằng thủy tinh pha lê là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ. Nhìn cái lọ, chưa ngửi được mùi nước hoa là đã mê rồi. Hộp đựng lọ nước hoa cũng là một sản phẩm mỹ thuật cao cấp.

Không nên chưng các lọ nước hoa dưới ánh nắng mặt trời hay ánh đèn chiếu thẳng trong phòng tắm. Nếu dùng thường, nên để lọ nước hoa và một chỗ tối, mát. Nếu muốn giữ lâu thì nên giữ trong hộp, đặt nơi chỗ mát. Nồng độ hương liệu càng cao, thì nước hoa càng mau dễ bay hơi, nên đóng nút, nắp lọ nước hoa cẩn thận.

Theo thống kê tiêu thụ, mỗi nước có một khuynh hướng tiêu thụ khác nhau. Mỗi năm lại có một khuynh hướng thị hiếu khác nhau. Tuy thế, khó biết được sự thật nằm ở đâu, vì mỗi cuộc thăm dò ý kiến đều bị chi phối bởi các nhà sản xuất và buôn bán nước hoa. Ngày nay nước hoa được bán khắp nơi, trong siêu thị (một chai 250ml giá chỉ có 3, 4 euros), trong tiệm thuốc tây, các cửa hàng discount, duty free, nhà ga, phi trường…

Trong giá bán sản phẩm nước hoa, trị giá nước hoa trong chai lọ chỉ chiếm có 1%, trị giá lọ nước hoa và hộp chỉ chiếm có 2%, 97% còn lại là tiền quảng cáo (marketing), tiền thuế, tiền lời của nhiều chặng phân phối đến người tiêu thụ. Một thống kê khác cho biết giá thành tổng cộng của một lọ nước hoa chỉ chiếm có 30% giá bán. Sở dĩ có sự khác biệt như thế là vì phẩm chất khác nhau, nhà sản xuất sử dụng nhiều hương liệu thiên nhiên hay nhiều hương liệu hóa học. Kỹ nghệ sản xuất nước hoa hiện nay được thực hiện bởi kỹ nghệ dược phẩm, qua các phòng thí nghiệm (laboratoires).

Thời sinh viên, tôi có đi làm kiếm sống trong hãng sản xuất nước hoa nổi tiếng nhất nước Đức, Eau de Cologne 4711. Buổi sáng, khi vào làm còn ngửi thấy mùi thơm đập vào mũi, buổi chiều tan ca đi về thì không còn ngửi thấy mùi gì nữa. Não và thính giác đã hoàn toàn bị xâm chiếm bởi mùi nước hoa. Lúc ra về, mấy bà cai, vuốt từ lưng xuống chân, để xem người làm công có ăn cắp, dấu diếm sản phẩm nào trong người không. Dạo ấy, trong một ca tám tiếng, một toán 4 nhân công, phải gói cho xong từ 8.000 đến 10.000 bánh xà bông. Vì lao động theo năng xuất, cho nên ai cũng hối nhau làm nhanh để có nhiều điểm lãnh nhiều lương. Giảm giá thành sản xuất, bán khối lượng lớn, tăng lợi nhuận cũng là mục tiêu kinh tế của kỹ nghệ nước hoa, một ngành sản phẩm mang tính chất thơ mộng, lãng mạn.

Nếu muốn sưu tầm nước hoa, nên đặt trọng tâm vào phẩm chất, không nên bạ gì cũng mua cho có số lượng, nhất là các loại nước hoa sản xuất với tầm mức kỹ nghệ không đáng để sưu tầm. Các nhà nước hoa nổi tiếng vẫn còn sản xuất những mùi nước hoa danh tiếng xưa kia từ đầu thế kỷ 20, hay xa xưa hơn nữa, khi nước hoa chỉ có một mùi hương thơm duy nhất, thí dụ như Eau de la Reine de Hongrie (sáng tạo năm 1370), mùi thơm của hoa rosmarin, Eau de Rose, Eau de Lys, Essence de Néroli, jasmin, narcisse, muguet, theo số lượng nhỏ, chỉ bán duy nhất tại trụ sở chính, nên phải đi đến tận nơi mà mua, và giá khá cao.

Có người thích sưu tập các lọ nước hoa, hay loại miniatures, rất đắt tiền so với thành phẩm, thích ngồi ngắm những chai lọ nhỏ xíu đủ mọi mầu sắc, mọi hình dạng, như người khác ngồi ngắm những con tem quí hiếm. Nên nhớ là phải giữ luôn hộp giấy để giữ giá trị toàn vẹn của sưu tập.

Nước hoa cũng phản ánh „dân tộc tính“ của nước sản xuất, nhưng ở đây tôi không dám lạm bàn quyết đoán vì chưa biết được hết mọi mùi nước hoa trên thế giới, chỉ nêu ra vài nhận xét và cảm giác cá nhân. Nước hoa Pháp thuộc trường phái cổ điển, thơ mộng, thanh lịch, sang trọng. Nước hoa Ý (thí dụ như Etra Etro) cũng thuộc trường phái cổ điển, ấm cúng, trưởng giả…Nước hoa Canada (thí dụ như Neige) thuộc trường phái nửa cổ điển nửa thời đại mới, hoành tráng như lớp tuyết phủ suốt một mùa đông dài trên Canada, nước hoa Nhật (Kenzo) thuộc trường phái thương mại mới, chạy theo thị hiếu, hương liệu kém. Nước hoa Đức (Jil Sander) thuộc trường phái tân cổ điển, hương nồng, tỏa bọc…

Vào khoảng cuối thập niên 80, Việt Nam có một may mắn lớn trong xuất cảng, vì Việt Nam có một sản phẩm tinh nhựa cây thiên nhiên, dùng để „giữ“ mùi thơm, nhưng khi ấy những người có trách nhiệm về xuất cảng không biết nắm lấy cơ hội, họ đang ở trong thời kỳ gọi là „bao cấp“, cái gì có trong danh sách chương trình thì làm, không có thì thôi. Hiện nay, một số sản phẩm Việt Nam, đặc biệt từ trầm hương (tinh dầu, nhang thơm …) có mặt trên thị trường. Việt Nam có nhiều sản phẩm thiên nhiên chứa đựng hương liệu, do đó có khả năng sản xuất nước hoa, tiếc là lãnh vực này chưa được các nhà đầu tư, sản xuất chú ý đến.

Nếu Việt Nam có nước hoa, tôi tưởng tượng trường phái ấy nên phải là tân cổ điển, bát ngát như biển, xanh như rừng và ruộng lúa, thơm ngàn hoa và trầm lắng mùi hương trầm Việt Nam. Đặc biệt ở đây tôi nghĩ đến vài mùi hoa rất Việt Nam, đó là hoa lan, hoa sen và hoa huệ, cũng như mùi gỗ thơm và rêu thơm, cộng với một mùi rất đặc biệt, được sử dụng trong ẩm thực, đó là mùi thơm cà cuống! Tại sao không ? MTT

Mathilde Tuyet Tran, viết xong ngày 04.08.2010