Nhớ quà hay nhớ bạn ?

Nhớ quà hay nhớ bạn ?

© Mathilde Tuyết Trần, France 2012

Đã nhiều lần tôi về thăm Hà Nội mà không biết mua gì đem về làm quà, lần nào cũng đem trở sang vài chiếc khăn lụa thêu, hay khăn len quàng cổ. Chỉ có người Hà Nội mới biết chọn quà Hà Nội để tặng bạn bè, người quen.

Mỗi lần về thăm nhà tôi cũng phân vân nhiều, chẳng biết mua gì làm quà tặng, số kí lô thì ít, chỉ đem được tặng bạn bè mỗi người một tí, ít ỏi quá, có mỗi một hộp kẹo, bạn tôi lại đem chia cho mỗi người bạn khác một cái kẹo cỏn con, món quà từ châu Âu lại chẳng có ý nghĩa, kỷ niệm, tình cảm gì, nên về đến nơi, đem quà tặng bạn tôi đều áy náy, ngượng ngịu.

Đi từ Nam ra Bắc hay từ Bắc vào Nam, tôi lê theo trong năm sáu cái va li đủ mọi thứ quà của ba miền. Cứ mỗi bạn cho một chút là mau đầy va li.

Bạn trong Nam thích tặng tôm khô, cà phê Ban Mê Thuộc, bánh phồng tôm Sa Đéc, hạt điều. Những con tôm khô còn mập ú, đỏ hồng, thơm phứt mùi tôm, tôi đem về nấu canh. Cà phê Ban Mê Thuộc thì khỏi chê, ở châu Âu, nhà đóng kín mọi cánh kính cửa sổ, cửa ra vào, sưởi ấm, nên mùi cà phê bay lên thơm nồng quyến rũ, chồng tôi đang ngủ cũng phải thức dậy khi ngửi thấy mùi cà phê. Bánh phồng tôm Sa Đéc thì chỉ dọn mời khách quý, bạn phương xa lạc chân đến thăm hay đãi ông hàng xóm tử tế. Vừa rồi khách nhà tôi lại khen : hạt điều ngon quá, không như hạt điều bán ở đây, không còn mùi vị hạt điều gì cả.

Mỗi khi đi chợ Sài Gòn, tôi mua vài thứ “lẩm cẩm” khiến chồng tôi phải ngạc nhiên hỏi, bộ ở “bên mình” không có những thứ này hay sao ? Có, nhưng tôi thích xài đồ Sài Gòn hơn. Bên này hay bên kia, đều là bên mình cả. Có gì đâu, đó chỉ là mấy cái muỗng to múc canh, múc cơm, một đôi đũa cả, một bộ muỗng nĩa nhỏ ăn bánh ngọt, vài cái xẻng làm bằng gỗ dừa Mỹ Tho.

Bạn ngoài Huế thì thích tặng trầm hương Huế, mè xửng dòn, trà cung đình, hạt sen nấu chè, mứt gừng cay…Tôi rất mê trầm hương thảo dược. Mỗi khi mệt mỏi, hay tiết trời quá lạnh, tôi đốt một mẩu trầm hương đặt trong một lư hương nhỏ xíu bằng đá cũng mang từ bên nhà qua, nơi tôi thờ vọng vua Hàm Nghi để nhớ lần đi viếng mộ vua với chị bạn. Mùi trầm hương Huế tỏa ra khắp nhà, làm cho tinh thần và cơ thể thoải mái. Bạn bè hàng xóm tôi đến chơi, đều khen nhà tôi có một mùi hương sắc rất Việt Nam. Trà cung đình, hay trà Hoàng đế của Huế ngọt lịm, thơm mùi hoa cúc, mùi táo tầu và các loại thảo dược khác cũng được các bạn gái Pháp ưa thích. Dạo sau này, tôi lại sanh tật, thích uống thuốc bắc, buổi sáng, buổi tối đều sắc thuốc uống, nên trong nhà, trong bếp đều thoang thoảng các “mùi” của “bên mình”.

Một lần, chúng tôi vào một tiệm ăn lớn bán hải sản ở Sài gòn để ăn trưa. Vừa mới được đưa đến một cái bàn trống, vừa ngồi xuống ghế, chồng tôi chun mũi, hỏi tôi có ngửi thấy mùi gì không ? tôi trả lời, có. Thế là hai đứa tôi đứng dậy, tôi bảo với nhân viên tiếp khách rằng, chúng tôi không thể ăn trong khi phải ngửi cái mùi này được đâu. Họ năn nỉ, đưa chúng tôi qua một góc khác, nói rằng chỗ này thoáng hơn, ít mùi đó hơn. Cả nể, chúng tôi ngồi lại, nhưng thật tình là chỉ gọi có mỗi một món, ăn cho nhanh để đi ra khỏi nhà hàng. Có ai đoán được mùi gì không ? Nhà hàng có vẻ sạch sẽ, bàn trải khăn trắng, bát đũa, ghế ngồi xem cũng sạch sẽ, nhưng, trong mỗi góc tường trên cao, họ có đặt một cái bình tự động phun một mùi thơm hóa học, mỗi phòng ăn là có bốn bình phun như thế, cái mùi mà bên châu Âu người ta chỉ để trong…nhà cầu tiêu, nhà xí! Hỏi họ tại sao, thì họ trả lời để đánh bạt mùi bia và mùi tôm cá! Chúng tôi nhớ mãi cái nhà hàng ấy và câu trả lời ấy.

Còn quà Hà Nội ? Bạn Hà Nội cũng thích cho cà phê rang đặc sản, trà xanh, rượu trắng như Nếp mới, Lúa mới, bánh chưng, gà luộc, dưa món…nhưng cái bánh chưng Hàng Bông, thật là chưa ăn cái bánh nào ngon hơn, bánh có mầu xanh ngọc dịu dàng đúng là mầu lá dong thấm vào, không phải mầu phẩm xanh lè bôi thêm trên nếp, nếp dẻo quánh lại tan trong miệng không cần phải nhai, miếng thịt mỡ vừa trắng như bông, vừa hồng tươi cũng tan mịn theo hương vị bùi bùi beo béo, nhân đậu xanh thì cũng tan biến như bánh đậu xanh Hải Dương, ăn nửa cái bánh chưng một lúc không thấy nặng bụng, hay ngấy. Một mình tôi thôi, phải “đánh vật” với khúc giò lụa nặng cả kí, cũng may là chồng tôi thấy ngon, ăn hộ cho một nửa.

Còn năm nay, bốn cái hộp mơ Hà Nội í à ? Nếu tôi không biết gìm cái tham ăn, rút cái tay táy máy lại và đi lảng ra chỗ khác cho quên, thì chắc tôi đã ngồi trong bếp, ăn hết một mạch bốn hộp mơ đặc sản một lúc. Giời ơi, cầm quả mơ, quả sấu, cắn vào, vừa chua chua, ngọt ngọt, mặn mặn lại thêm có vị gừng, vị ớt cay cay, nồng nồng…một quả, thêm một quả, lại nhón thêm một quả nữa…cứ thế. Loại “mơ Hà Nội” khác hẳn loại “ô mai”. Trong Nam gọi là “ô mai” là loại cục viên tròn làm bằng nhiều chất liệu thái mỏng hay dã nhỏ, rồi vo viên lại, bên trong không có hột, nên mùi vị ô mai là một mùi vị tổng hợp. Mơ Hà Nội thì là loại còn nguyên quả, nguyên hột bên trong, tùy theo cách chế biến mà mang nhiều tên khác nhau mà món nào cũng ngon xít xà tắc lưỡi. Cô giáo cũ của tôi, người Hà Nội, có lần tâm sự là cô thích nhất sấu dầm trong nước mắm pha để chấm rau. Vườn nhà tôi có mấy cây đào cho quả, cây mận (mơ), cây sơ ri…nhưng năm nào cũng thế, tôi ngồi mê mải trong bàn viết, không ra lượm, hái quả, chim chóc ăn một nửa, một nửa rơi rụng thúi vữa trên cỏ xanh, cứ để thế thành chất bón đất, bón cây. Nhưng mùa thu năm nay, tôi sẽ thử lượm quả…để làm thành “mơ Hà Nội”.

Ở Hà Nội còn có một món quà gắn liền với hình ảnh mẹ tôi. Dạo ấy, mẹ tôi còn rất trẻ, tuổi độ mười tám hai mươi, ở đâu trong phố Hàng Bạc, bây giờ thì tôi không biết số nhà để đi tìm về kỷ niệm xa xưa của mẹ tôi. Sau này mẹ tôi hóm hỉnh kể, dạo ấy, thiếu nữ, thì chỉ mơ có mỗi một thứ, là được đi ăn kem bờ hồ với người yêu. Tôi tìm kem bờ hồ, thì kem bờ hồ không còn nữa, chỉ còn có kem Tràng Tiền, người ta xếp hàng mua kem rồi đứng trên vỉa hè, hay vừa đi vừa liếm kem. Chồng tôi ngượng liếm kem vỉa hè nên không chịu, làm cho tôi cũng không dám liếm kem một mình, mất đi một cái thú vui trẻ con, tóc mình đang bạc mà.

Còn chuyện “đi với người yêu” thì dạo ấy, tôi cũng có hỏi má tôi, “Má ơi, đi gì mà đi, chẳng nắm tay nhau gì cả, cứ ông đi trước ba bước, bà đi sau ba bước!”. Má tôi cười “Thời nào phải ra thời ấy chứ, thời cha mẹ đâu có như thời các con được.” Má tôi nói đúng, thời chúng tôi, bây giờ cũng đã khác thời bọn trẻ ngày nay nhiều lắm! Tuy thế các cô gái trẻ cứ xuýt xoa nhìn hai bác già nắm tay nhau đi dạo trên đường, hai bác hạnh phúc quá, làm cho tôi có cảm giác đang “nắm” được cái hạnh phúc trong tay, nặng cả trăm kí lô là ít !
Thèm ăn ngon, ăn vặt nhưng ở cả Pháp và Việt Nam hiện tại, nhiều người quan tâm đến vấn đề phẩm chất của thực phẩm, nhất là khi đột nhiên cảm thấy có vấn đề sức khỏe sau khi tiêu dùng, hay thậm chí bị ngộ độc. Các loại thực phẩm tại Pháp như khoai tây, rau cỏ, bánh mì thì nhiễm thuốc trừ sâu bọ cỏ dại, chống lên mầm, thịt thì nhiễm hơi ga bảo quản, các loại thực phẩm chế biến trong kỹ nghệ như đồ hộp, đồ đông lạnh, đồ nấu sẵn…thường bị nhiễm các chất chống mốc, chất bảo quản dài ngày…cho nên người tiêu thụ dễ mắc những bệnh như dị ứng, khó tiêu, ợ chua, nói chung các bệnh về đường tiêu hóa, có khi bị nhiễm độc nhẹ xanh mặt, toát mồ hôi dầm dề, lả người, nằm gục đến hôm sau mới lại sức, hay nhiễm độc nặng. Ở Việt Nam thì ngoài các hiện tượng nhiễm độc thực phẩm còn có thêm khả năng nhiễm nhiều loại giun sán khác nhau, từ giun kim cho đến giun lươn, rất khó trục ra. Cẩn thận khi ăn uống, không nên để bị hấp dẫn vì « ngon miệng » mà thiếu vệ sinh, sạch sẽ là cách bảo vệ trực tiếp sức khỏe của chính mình, nhất là không nên tiêu dùng những thực phẩm có nguồn gốc « nhập » rất đáng ngờ, rất có hại cho sức khỏe. MTT