Bầu cử Tổng thống Pháp 2012 – Les élections présidentielles 2012
Bầu cử Tổng thống Pháp 2012 – 2017, vòng hai
© Mathilde Tuyết Trần, France
Một mùa tranh cử tổng thống Pháp khá sôi động đã kết thúc. Ông François Hollande đã mang lại chiến thắng cho cánh tả, đắc cử với số phiếu là 51,6% (18.000.668 phiếu), ông Nicolas Sarkozy mãn nhiệm với kết quả 48,4% số phiếu (16.860.685 phiếu) theo kết quả chính thức của Hội Đồng Lập Pháp công bố vào ngày 10.05.2012.
Ứng cử viên François Hollande trở thành vị Tổng thống thứ 24 trong nền Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp vào ngày chủ nhật « khủng » 06.05.2012 (Super Dimanche), và là vị tổng thống thứ hai của đảng Xã hội, sau ông François Mitterand, người đã có một nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 13 năm từ 21.05.1981 – 17.05.1995. Trong diễn văn chiến thắng tại quảng trường La Bastille tối ngày 06.05, ông François Hollande tuyên bố « Tôi là Tổng thống của tuổi trẻ » (Je suis le président de la jeunesse)
Tình hình tranh cử vòng 1
Đúng như một dự đoán trước cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng một vào ngày 22.04.2012 vừa qua, hai ứng cử viên, ông Hollande (PS, đảng Xã Hội) và ông Sarkozy (UMP, Liên Minh các phong trào quần chúng) đã vào vòng 2 của cuộc tranh cử.
Kết quả cuối cùng của vòng 1 do Bộ Nội Vụ thông báo là trong số 46.037.965 cử tri ghi danh hợp lệ có 79,47% đi bầu cử (36 584 538). Trong số phiếu này có 1,52% (698 737) phiếu trắng hay bất hợp lệ, nên còn lại 77,95% (35 885 801) là số phiếu hợp lệ.
Trên tổng số phiếu hợp lệ thì ông Hollande dẫn đầu vòng 1 với 28,63% (10.273.480 phiếu), kế tiếp là ông Sarkozy với 27,18% (9.754.316 phiếu), bà Le Pen đạt 17,90% (6.421.802 phiếu), ông Melenchon đạt 11,10% (3.985.089 phiếu) và ông Bayrou đạt 9,13% (3.275.395 phiếu). Các ứng cử viên còn lại không đạt được đến 5%, riêng đảng Xanh, tuy kết quả có khá hơn vòng 1 năm 2007, nhưng xem như cũng thất bại nặng nề với chỉ có 2,31% (828.381 phiếu). Đứng trên bình diện tương quan lực lượng thì cánh hữu vẫn chiếm số nhiều.
Ba ngày trước vòng hai, hôm 03.05.2012, các lá bài bầu cử của năm ứng cử viên về đầu vòng 1 kỳ bầu cử tổng thống Pháp vừa qua đã được lật ngửa để tranh thủ quyết định bỏ phiếu của những cử tri còn đang do dự. Ông Mélenchon (Liên minh cánh tả) đã kêu gọi cử tri của ông hãy tiếp tục « đánh bạt » ứng cử viên Sarkozy. Ngày 01.05.2012 bà Le Pen (đảng Mặt trận Quốc gia, cực hữu) tuyên bố bà sẽ bỏ phiếu trắng, không đem lợi về cho phe nào cả. Cuối cùng, ông Bayrou tuyên bố ngày 03.05 rằng cá nhân ông sẽ bỏ phiếu cho ông Hollande. Như thế khả năng và hy vọng « gộp » đa số phiếu của các cử tri cánh hữu của ông Sarkozy sẽ bị giảm đi. Tuy nhiên, mọi dự đoán đều « cẩn thận » như thường lệ, yếu tố bất ngờ cho một sự tái đắc cử của ông vẫn có thể xảy ra. Trong trường hợp này, các nhà bình luận cho rằng, chính trị nội địa của ông Sarkozy sẽ ngả mạnh hơn về phía hữu, còn trên chính trường quốc tế, ông Sarkozy sẽ đứng trên thế mạnh của sự kiện tái đắc cử, trên sự ủng hộ của các thế lực tài chính Pháp, của các đồng minh như nước Đức, Hoa kỳ, Anh, của thành phần cử tri cánh hữu để tạo một ảnh hưởng quyền lực mạnh thêm trong năm năm tới.
Đấu trí trực tiếp sôi động
Cuộc tranh luận truyền thống giữa hai ứng cử viên vòng hai vào đêm 02.05.2012, kéo dài ba tiếng đồng hồ, theo báo chí Pháp, đã được hơn 18 triệu người dân trên đất Pháp theo dõi trực tiếp, các báo chí nước ngoài cũng vội vàng bình luận ngay sau đó.
Tuy cả hai ứng cử viên vận dụng toàn lực, đẩy cuộc đấu trí tay đôi lên mức độ quyết liệt chưa từng thấy trong lịch sử tranh cử, nhưng có thể nói là ông Hollande đã thành công trong nhiều điểm. Qua cuộc tranh luận công khai và trực tiếp, ông đã loại bỏ được những thành kiến của dư luận về khả năng cá nhân của ông và chinh phục được những người còn nghi ngờ về đường hướng chính trị, các phương cách giải quyết của ông. Nếu trước đây, họ cho rằng ông là một người chậm chạp, yếu mềm, thậm chí không có khả năng lãnh đạo, thì nay mọi người đều thấy rằng ông là một người thông hiểu mọi vấn đề hiện tại của nước Pháp, bình tĩnh, đối đáp khôn ngoan, trả đũa nhưng vẫn giữ thái độ lịch sự, có tầm vóc là một nguyên thủ. Điểm khôn ngoan nhất và gây ấn tượng nhất của suốt thời gian tranh luận là ông Hollande đã đưa cử tri trở về hình tượng đạo đức của một tổng thống « bình thường » (un président normal), trong ý nghĩa châm biếm đối thủ một cách rất khôn khéo, nhẹ nhàng. Từ khi thắng cử nhiệm kỳ tổng thống năm 2007 cho đến giờ, ông Sarkozy luôn được xem là một hình ảnh đại diện của xã hội « bling bling » quá mức giầu có, sống ra rời thực tế của nước Pháp.
Vị đương kiêm Tổng thống và ứng cử viên vòng 2, ông Sarkozy tuy công kích đối thủ liên tục, chứng tỏ khả năng và kinh nghiệm tranh luận chính trị, nhưng đồng thời cũng phơi bày ra trước dư luận công chúng sự bất ổn, nóng nảy, yếu lý luận khách quan và cụ thể về kết quả của 5 năm vừa qua, cũng như cá tính đôi khí không mấy lịch sự của mình.
Hai tuần ráo riết tranh cử vòng 2
Sau buổi tranh luận ngày 02.05, tạp chí chính trị Der Spiegel (Tấm gương) của Đức nhận định, nếu ông Nicolas Sarkozy mà thắng cử vòng 2 thì đó là một sự « ngạc nhiên khủng khiếp ». Trong suốt thời gian tranh cử vòng hai, ông Sarkozy sử dụng trọng tâm vũ khí chính trị với chủ đề « an ninh quốc gia » của phe cực hữu, đảng FN (Mặt trận Quốc gia). Khái niệm « Lao động thật » (le vrai travail) được ông Sarkozy dùng nhân dịp lễ Lao động 01.05 làm cho dư luận nhớ lại khẩu hiệu « Travail, Famille, Patrie » của Pétain (Lao động, Gia đình, Tổ quốc) trong thời Đại chiến thứ hai, và đã gây nhiều thảo luận, phản ứng sôi nổi từ phía các công đoàn.
Dưới chủ đề này, nhiều biện pháp gọi là bảo vệ an ninh quốc gia được đưa lên, hâm nóng sự lo sợ, và sự thù ghét người nước ngoài nhập cư của dân Pháp, thí dụ như hiện nay đang trục xuất 40.000 người ngoại quốc (tuyên bố ngày 02.05.2012 của ông Claude Guéant, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ), cải tạo luật lệ cho gia nhập quốc tịch Pháp, ngăn chận bằng mọi cách những người nhập cư, giảm thiểu tối đa những trường hợp xin tỵ nạn chính trị, xin trợ cấp xã hội, kiểm soát chặt chẽ các biên giới…mà báo chí dùng hình ảnh đóng « cánh cửa sắt » để diễn tả chủ trương đó. Không khí trong dân chúng căng thẳng theo tình hình tranh cử. Theo dự đoán của công ty Ipsos vào ngày 04.05.2012 thì ông François Hollande sẽ thắng với tỷ số 52,5%, còn ông Nicolas Sarkozy sẽ thâu được 47,5% số phiếu.
Cuộc bầu cử này đem lại cho ông Sarkozy năm điều bất lợi. Bất lợi thứ nhất là nội bộ đảng đang cầm quyền UMP lục đục thấy rõ, dù những người đứng đầu đảng UMP như các ông Fillon, Copé, Juppé vẫn tuyên bố là họ tin tưởng vào chiến thắng của ông Sarkozy. Những tin tức về bất đồng ý kiến với đường lối chính trị tranh cử của ông Sarkozy ngay trong hàng ngũ của mình, làm bộc lộ thêm các điểm yếu của người ứng cử viên tổng thống. Bất lợi thứ hai là những tin tức càng ngày càng có vẻ cụ thể về việc ông Sarkozy đã nhận của Lybie 50 triệu euros, hay nhận tiền của bà tỷ phú Liliane Bettencourt (hồ sơ hình sự Eric Woerth, Patrice de Maistre) để tranh cử năm 2007 đã làm cho uy tín của ông Sarkozy xuống dốc rất nhanh. Theo báo Le Parisien, ngày 03.05.2012, thì luật sư Bechir Essid của cựu thủ tướng nước Lybie, ông Al-Mahmoudi, xác nhận rằng ông Mouammar Kadhafi và chính quyền cũ của nước Lybie đã thông qua ông Moussa Koussa, cựu giám đốc tình báo đối ngoại, để cung cấp cho ông Sarkozy 50 triệu euros năm 2007 và họ có mọi giấy tờ bằng chứng.
Bất lợi thứ ba là người dân khi có yêu cầu, có mong đợi về một « công bằng xã hội » đã quyết chí ngả về những ứng cử viên có tính chất xã hội « bình thường ». Bất lợi thứ tư là những sự can thiệp có yếu tố nước ngoài như của bà Thủ tướng Đức Angela Merkel chẳng hạn, đôi lần đã tuyên bố công khai ủng hộ ứng cử viên Sarkozy, đã gây một phản ứng ngược hẳn lại, là làm cho tự ái dân tộc Pháp nổi lên, làm cho người dân Pháp nhớ lại lịch sử hai trận đại chiến thế giới chống Đức vừa qua, và nhớ lại rằng ông nội của ông Sarkozy đã hợp tác với Đức năm 1944 rồi theo chân quân Đức sang tỵ nạn tại nước Áo, rồi sau đó qua Đức, qua Pháp. Bất lợi thứ năm là sau năm năm cầm quyền ông Sarkozy đã vài lần bộc lộ cá tính không mấy lịch sự đối với dân chúng, thiên vị đảng cầm quyền, cũng như cuộc ly dị chớp nhoáng với vợ cũ, bà Cecilia Sarkozy, rồi kết hôn chớp nhoáng với nữ siêu mẫu người Ý Carla Bruni, không xây dựng được một « mẫu » nguyên thủ quốc gia đáng kính trọng.
Đi bầu trong ngày chủ nhật « khủng » 06.05.2012
Các nơi bỏ phiếu mở cửa từ 8.00 sáng. Trong các thành phố lớn, sáng chủ nhật người ta thường ngủ bù giấc, thức muộn, nhưng tại các làng quê xe cộ chạy tới chạy lui khác mọi ngày thường.
Trong một làng nhỏ ở vùng Oise, dân số trên dưới 100 người, trong làng hầu như ai cũng biết ai, vị trưởng làng đã từ chối quyền bầu cử của một công dân, xem như là tước quyền công dân, tước quyền dân chủ của người đó, với lý do tình trạng ghi danh không hợp lệ cũng như về phía công quyền ông ta không muốn làm sáng tỏ sự kiện. Người công dân đó phải tự mình chạy đi tìm sự hỗ trợ và quyết định của các cấp trên. Suốt một ngày, người đó phải chạy đi đến cảnh sát khu vực, tòa án sơ thẩm, các tòa hành chánh làng, thị trấn khác, gõ cửa tòa tỉnh trưởng, gõ cửa luôn cả Bộ Ngoại Giao,… cái khó khăn là ngày chủ nhật nhiều cơ quan đóng cửa (!) không tiếp dân.
Cuối cùng, mãi cho đến 5 giờ chiều, khi các cơ quan chính quyền đã có kết quả sơ khởi đầu tiên, tình hình đã phân chia thắng bại, các báo chí nước ngoài tại Đức, Thụy Sĩ, Bỉ…đã công bố kết quả bầu cử vòng 2 tạm thời trên mạng Internet, một cú điện thoại từ tòa tỉnh trưởng Beauvais mới giải thoát sự kiện, công dân đó được đi bầu, lúc này, sau 5 giờ chiều, thêm một phiếu hay mất một phiếu cũng không có hiệu lực làm tràn ly nước được ! Sự kiện này cho thấy, muốn tham dự vào nền Dân chủ Pháp, cũng còn là một sự khó khăn, mà các biện pháp hành chánh được sử dụng là hàng rào cản trở. Cấm bầu cử là một hình phạt có thời gian hạn định phải do Tòa án tuyên bố, nhưng có những người có chức vị trong làng xã, do dân làng bầu lên, lại muốn lạm dụng quyền hạn của mình !
Vùng thung lũng sông Oise, giáp cận ở phía Bắc với vùng trung tâm quyền lực của nước Pháp, Ile-de-France, là cửa ngõ của Paris, có một lịch sử chống phát xít và xâm lăng anh dũng trong hai trận đại chiến thế giới thứ nhất và thứ hai vì nằm trên đường tiến quân của Đức và các nước Đông Âu, cũng như một lịch sử quân chủ lâu đời và sâu xa, thành phố Senlis thuộc Oise là nơi Hugues Capet được bầu lên là vua sáng lập ra dòng Capetien mà vị vua cuối cùng của dòng này là vua Louis XVI. Đất tỉnh Oise là một vùng đất mầu mỡ phì nhiêu, đất đen mịn thuộc loại dẻo quánh như đất sét, nhiều đồng ruộng rộng lớn cò bay thẳng cánh, dân cư thưa thớt (trung bình 137/km²) nhưng trung lưu giầu có vì đa số là đại phú nông và trung nông, rất ít người ngoại quốc nhập cư sinh sống, họ chỉ thường chỉ tụ tập tìm công ăn việc làm trong vài thị trấn, thành phố có mực độ dân cư trên 10.000 dân, thế nhưng dân tình thì lại muốn ngăn chặn thành phần ngoại quốc xâm lấn vào thiên đàng địa giới của mình. Nhìn trên bản đồ bầu cử của một địa phương như Oise với một con số cử tri là 435.969 phiếu hợp lệ thì trên toàn tỉnh Oise cánh hữu chiếm đa số. Trong vòng 2, ông Sarkozy chiếm 52,67% tại khu vực Oise.
Một trách nhiệm nặng nề cho vị Tổng thống mới
Đắc cử tổng thống nhiệm kỳ 2012 – 2017, ông François Hollande sẽ phải bắt đầu một chương trình thực hiện rất nặng nề, thứ nhất để đem lại « công bằng xã hội » trên nội địa quốc gia, thứ hai, xác định lại thế đứng của nước Pháp trên bình diện quốc tế.
Trên tầm mức quốc gia, mọi biện pháp cải tạo mức sống của dân chúng, đồng thời cũng là đòn bẩy để tái tạo sức mua, sức tiêu thụ của thị trường nội địa, như cải tạo chế độ thâu thuế cho công bằng, tạo thêm công ăn việc làm (60.000 công việc mới cho ngành giáo dục), cải thiện lại tuổi về hưu chính thức là 60 tuổi để người già có thể sống bằng lương hưu của mình, các biện pháp giúp cho người trẻ bắt đầu xây dựng đời sống, lập gia đình, cơ nghiệp.. đang được dân chúng trông chờ khẩn cấp. Thêm vào đó, các đề tài có tính chất thời gian trung bình như vấn đề năng lượng nguyên tử, vấn đề quyền bầu cử cho người nước ngoài sinh sống tại Pháp, cải tổ guồng máy hành chánh, tăng quyền lực cho các cấp địa phương, cải tổ quỹ bảo hiểm bệnh tật…cũng cần được khởi đầu.
Trên tầm mức quốc tế, lồng trong khuôn khổ toàn cầu hóa và các khủng hoảng kinh tế thế giới, các vấn đề như các khối nợ quốc gia tại châu Âu, sự lạm phát của đồng Euro, sự can thiệp trực tiếp bằng quân sự vào các chiến trường nóng như Afganistan…, cũng như các biện pháp để cân bằng cán cân, lực lượng ngoại giao, chính trị, kinh tế…xác định thế đứng mới của nước Cộng Hòa Pháp trên bản đồ thế giới không phải là những hồ sơ « nhỏ » đối với ông François Hollande và chính quyền mới của ông. Thông thường, báo chí và dư luận đánh giá ngay vị Tổng thống mới và chính quyền mới sau « 100 ngày » nắm chính quyền, đó là khoảng thời gian cấp bách nhất để đặt « người đúng vào việc đúng » và bắt đầu cho quay guồng máy để giải quyết những công việc khẩn thiết đã được hứa hẹn trong mùa tranh cử. Một luồng gió mới sẽ thật sự thổi trên nước Pháp ? Sự việc đắc cử xem thế mới chỉ là bước khởi đầu cho một giai đoạn mới trong lịch sử. MTT