Đảng Xã hội Pháp năm 2011
Đảng Xã hội Pháp năm 2011Tạp chí Hồn Việt số 52/2011 – Hội Nhà Văn Việt Nam – 28-11-2011 |
|||||||||||||
|
|||||||||||||
Sau nhiều năm bị dồn nén, khi những người thất nghiệp vừa bị mang dấu ấn là những kẻ «lười biếng, ăn bám» vừa phải giảm mọi nhu cầu sinh sống một cách cấp bách và tối đa, khoảng cách quá giàu và quá nghèo ngày càng quá xa, bất công nhỏ bất công to khắp nơi… bối cảnh xã hội tại Âu châu nói chung, tại Pháp nói riêng, đang thuận tiện cho một sự thay đổi đường lối chính trị. Cuộc bầu cử thượng nghị viện Pháp (Sénat) vừa qua đã đem lại chiến thắng chính trị lớn cho phe tả, kết quả này được xem như là một cái “phanh” cho quyền lực của cánh hữu. Ngày 25/9/2011, có 170 ghế thượng nghị sĩ được bầu cho nhiệm kỳ mới. Cánh tả thắng với tỉ lệ: Cộng sản (Communiste, COM) 16 ghế (9,4%), Xã hội (Socialiste, SOC) 61 ghế (35,9%), Cực tả (Radical de Gauche, RDG) 2 ghế (1,2%), phe tả linh tinh (Divers gauche, DVG) 6 ghế (3,5%), Đảng Xanh (Europe Ecologie Les Verts, VEC) 10 ghế (5,9%), tổng cộng là 95 ghế thượng nghị sĩ mới. Cánh hữu với tỉ lệ: Liên kết cho Phong trào Dân chúng (Union pour un Mouvement Populaire, UMP) 55 ghế (32,4%), Đa số cho tổng thống (Majorité présidentielle, MAJ) 12 ghế (7,1%), phe hữu linh tinh (Divers droite, DVD) 5 ghế (2,9%) và đảng trung lập (MODEM) 3 ghế (1,8%), tổng cộng 75 ghế thượng nghị sĩ mới(1). Thượng nghị viện Pháp năm 2011 gồm có tổng cộng 348 thượng nghị sĩ, với nhiệm kỳ là 6 năm. Trong cuộc chạy đua giữ chức Chủ tịch Thượng nghị viện Pháp (Présidence du Sénat) có ba nhân vật của ba cánh tả, hữu và trung lập ra ứng cử, kết quả là ông Jean-Pierre Bel của cánh tả đã thắng cử chức Chủ tịch vào ngày 1/10/2011 vừa qua. Cả hai sự kiện trên, cùng với một sự đổi mới tư duy dân chủ trong hàng ngũ cánh tả trong công việc bầu chọn ứng cử viên tổng thống càng làm cho không khí cánh tả phấn chấn thêm hơn. Các ứng cử viên tổng thống của đảng Xã hội Pháp sẽ không còn chỉ được lựa chọn bởi những người có đảng tịch, mà mọi cử tri, dù không phải là đảng viên, luôn cả người Pháp đang cư trú tại nước ngoài, nếu muốn, đều có thể bầu chọn ứng cử viên tổng thống của đảng Xã hội do cá nhân mình «chấm điểm». Cuộc bầu chọn ứng cử viên tổng thống của đảng Xã hội, lần đầu tiên trong lịch sử nước Pháp cũng như của nền Đệ ngũ Cộng hòa, diễn ra vào hai ngày 9 và 16 trong tháng 10. Có 6 ứng cử viên do đảng Xã hội đề cử: bà Martine Aubry, bà Ségolène Royal, ông Arnaud Montebourg, ông Jean-Michel Baylet, ông Manuel Valls và ông François Hollande đại diện cho các trường phái từ cánh tả (nghiêng) hữu cho đến tả (nghiêng) tả ra tranh cử vòng «primaires PS». Mỗi ứng cử viên đều có hậu thuẫn của những nhân vật sáng giá trong chính quyền đương nhiệm và của sân khấu chính trị. Theo tin của AFP đăng trên tờ Le Figaro ngày 21/6/2011, thì con số đảng viên tích cực của đảng Xã hội hiện nay chỉ còn khoảng 160.000 người. Tổng số đảng viên là một con số thường được giữ kín, nên chỉ có những ước liệu mà thôi. Việc mở rộng việc bầu chọn vượt khỏi «ranh giới» của đảng Xã hội là một sáng kiến hứa hẹn sẽ có hiệu quả lớn. Kết quả của cuộc bầu chọn rộng rãi có xác suất chính xác hơn là mọi cuộc thăm dò dư luận chỉ có tính cách tượng trưng, đồng thời cũng đem lại một sự đánh giá của người đi bầu đối với từng ứng cử viên đúng đắn hơn là những bài bình luận trên các phương tiện truyền thông có mục đích tạo ảnh hưởng, chi phối lên cử tri. Thêm vào đó, việc mở rộng bầu chọn có tác dụng tâm lý, khuyến khích người dân tìm đến gần gũi hơn, tham gia tích cực hơn, suy nghĩ nhiều hơn về tình hình chính trị và các quyết định của chính quyền đương nhiệm. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thì giờ để đọc và nghiền ngẫm để hiểu cho thấu 30 điểm chính trong chương trình bầu cử tổng quát dài mấy chục trang của đảng Xã hội Pháp, và, không phải ai cũng biết giá trị đạo đức chính trị cánh tả là những giá trị nào. Người dân bình thường chỉ quan tâm đến hai việc tối thiểu và cơ bản: làm sao có vừa đủ để sống và an ninh công cộng. Chỉ hai câu hỏi đó nhưng nó bao gồm tất cả mọi lãnh vực, từ mức lương khi làm việc, lương thất nghiệp khi mất việc, lương hưu trí khi về già, các phí tổn hàng ngày cho đau ốm bệnh tật, di chuyển, tiền học con cái, chương trình giáo dục… cho tới việc khi đi đường không lo lắng sợ hãi sẽ bị cướp giật, ăn trộm vào nhà… Rộng hơn nữa mới đến vấn đề an ninh thế giới, chiến tranh ở nơi này, nơi kia và những bất công đang xảy ra trong xã hội Pháp. Chủ đề chính của đảng Xã hội vẫn là các chủ đề đã được đưa ra trong chương trình tranh cử năm 2007: thất nghiệp, nợ quốc gia, vấn đề năng lượng, hưu trí, giáo dục… đặc biệt năm nay có thêm chủ đề về thị trường chứng khoán và các hậu quả trực tiếp của nó lên thị trường lao động. Để giữ vững mức lợi nhuận cho giới chủ và thành phần đầu tư tài chánh, các cuộc khủng khoảng của thị trường chứng khoán từ đầu năm nay đến giờ đã hủy hoại 13 triệu công ăn việc làm trên thế giới của người lao động(2). Cái «nghèo» ở Pháp được định nghĩa thành hai bậc: nghèo và nghèo khẳm. Mức «nghèo» có nghĩa là chỉ có 60% thu nhập so với thu nhập trung bình (954€/tháng cho người sống độc thân), mức «nghèo khẳm» có nghĩa là chỉ có 50% thu nhập so với thu nhập trung bình (795€/tháng cho người sống độc thân) trên toàn nước. Thống kê năm 2009 cho biết có 8.173.000 người nghèo và 4.507.000 người nghèo khẳm trên đất Pháp(3). Tổng cộng số người nghèo so với dân số năm 2009 (62.474.000 dân) chiếm khoảng 20% dân số(4). Thống kê năm 2008 cũng cho biết mức lương hưu tổng cộng và trung bình của phụ nữ là 1.102€/tháng và của nam giới là 1.588€/tháng(5). Được kể vào thành phần «nhà giàu» là những ai có thu nhập từ 5.000€/tháng trở lên. Rút kinh nghiệm nhiệm kỳ của Tổng thống Sarkozy, dân chúng đều thấy rằng, những quyết định «đột xuất và cấp bách» thí dụ như các vấn đề chiến tranh ở Afganistan, Lybia, hay muốn cứu đồng Euro thì phải bơm những số tiền khổng lồ hàng trăm triệu Euro vào các nước lâm nạn Hy Lạp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… và vào các nhà băng có nguy cơ phá sản, đều không có cụ thể trong chương trình ứng cử của các đảng phái trong năm 2007. Nhiều việc «đại sự» đều phụ thuộc vào chính kiến, tư cách và tài đức của cá nhân nhân vật đang nắm quyền bính tối thượng trong tay, cũng như phụ thuộc vào lực lượng hậu thuẫn sau lưng nhân vật Tổng thống. Vì thế, các ứng cử viên, đều được người dân quan tâm đến vận mệnh chính trị nước Pháp nhìn đi nhìn lại. Cánh hữu cũng nhìn cuộc bầu chọn người tranh cử tổng thống của đảng Xã hội với một mối quan tâm đặc biệt, và có nhân vật quan trọng trong hàng ngũ cánh hữu cũng muốn tổ chức một cuộc bầu chọn như thế. Vòng 1 của cuộc bầu chọn diễn ra ngày 9/10 đạt một kết quả tham dự vượt quá dự tính cẩn thận của đảng Xã hội; họ dự tính sẽ có 1 triệu cử tri tham dự, nhưng đến cuối ngày thì con số cử tri tham dự lên đến 2.661.231 người. Nhờ vào con số tham dự này, đảng Xã hội cũng đã vui mừng thâu vào một số tiền đóng góp vượt quá phí tổn tổ chức. Kết quả vòng 1 đem đến sự thất vọng lớn cho bà Ségolène Royal, người đã chiếm 16.790.440 (46,94%) phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2007, năm nay bà chỉ đạt được 184.091 phiếu trong cuộc bầu chọn (6,95%). Tuy nhiên bà vẫn nhận được nhiều cảm tình và sự tôn trọng là một nữ chính khách không mỏi mệt. Dẫn đầu vòng 1 là ông François Hollande với 39,17%, kế tiếp là bà Martine Aubry 30,42%… Ngày 16/10, một ngày mùa thu rất đẹp, trời xanh trong, nắng thu nhè nhẹ ấm áp, diễn ra vòng 2, một cuộc chạy đua ráo riết giữa hai ứng cử viên, ông François Hollande và bà Martine Aubry. Số cử tri tham dự vòng 2 tăng lên đến 2.860.157 cử tri và người được bầu chọn chính thức làm ứng cử viên tổng thống của đảng Xã hội năm 2012 là ông François Hollande với 56,57% số phiếu. Bà Martine Aubry đạt 43,43%(6). Hai ứng viên của Đảng Xã hội Pháp: François Hollande (trái) và Martine Aubry. Ảnh: L’Express. Các ứng cử viên cuộc bầu chọn đều kêu gọi một sự đoàn kết hàng ngũ để có thể thắng cử vào ngày 6/5/2012. Cuộc bầu chọn này còn đem lại cho người ứng cử viên thắng cử sự công nhận chính thức (légitimation) và một sự vững tin vào hậu thuẫn, của người trong đảng Xã hội và của thành phần dân chúng ủng hộ. Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy (đảng UMP) đến hôm nay chưa tuyên bố là sẽ tái tranh cử hay không.
|